Quản lý nợ công cần sự đồng thuận về nhận thức

Hồng Quang

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định "đây là vấn đề khó, mới làm lần đầu" trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, giá dầu thô giảm sâu, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, trong nước lại đang triển khai tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, "tài chính - ngân sách phản ánh thực trạng sức khỏe của nền kinh tế", mặt khác, chính sách tài chính cũng góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế và góp phần thúc đẩy công bằng xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhận xét của Quốc hội về "nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn" là hoàn toàn chính xác, đồng thời Bộ trưởng cũng thẳng thắn đưa ra những con số phản ánh chính xác về thực tiễn nợ công trong suốt thời gian qua.

Trước những khó khăn và thách thức đối với nợ công và khả năng trả nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu ra những giải pháp quan trọng để giảm nợ công là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách; từng bước tái cơ cấu nợ công, cụ thể là đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài; tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất nợ công.

Trong đó, sẽ đẩy mạnh phần vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Hiện, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức đã trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%. Chính phủ cũng sẽ tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất của các khoản nợ công.

Theo Bộ trưởng, thời gian gần đây, công tác này đã được chú ý hơn nhiều so với trước. Điều quan trọng là lãi suất huy động đã giảm đáng kể, năm 2011 huy động trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất 12,01%/năm thì năm 2012 giảm còn 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm, năm 2015 còn 6,28%/năm và 2016 là 6,4%/năm....

Trong các giải pháp, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cần có sự đồng thuận về nhận thức trong các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội về vấn đề quản lý nợ công...

Ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia kinh tế về báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội, các ý kiến cho rằng, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thẳng thắn nhận diện những vấn đề lớn, chỉ rõ các khó khăn thách thức trong quản lý nợ công hiện nay. Điều quan trọng là báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính có phân tích, đánh giá đúng thực trạng hiện nay, các giải pháp đưa ra đúng, trúng và thiết thực về các vấn đề trong quản lý nợ công.

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình cao với các giải pháp về tăng cường quản lý nợ công mà Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày trước Quốc hội. Đặc biệt, nhiều chuyên gia bày tỏ sự thống nhất cao với Bộ trưởng Bộ Tài chính khi cho rằng, để kiểm soát nợ công, một giải pháp quan trọng đặc biệt cần chú ý là cần thay đổi nhận thức và gắn rõ trách nhiệm cụ thể và nghiêm khắc hơn về vay nợ và trả nợ công.

Có thể nói, nợ công chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Việc quản lý nợ công một cách hiệu quả, có hệ thống đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn về tài chính, cũng như tính bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Để thực hiện tốt các giải pháp về quản lý nợ công, theo các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam cho thấy  cùng với các giải pháp tích cực mà Chính phủ đang triển khai thì rất cần có sự đồng thuận về nhận thức trong xã hội về vấn đề này. Cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quán triệt nhận thức và trách nhiệm về vay và trả nợ công, không để tình trạng coi nợ công là không của ai cả và không ai chịu trách nhiệm. Quán triệt tinh thần “Phòng hơn chữa”, chủ động ngăn chặn và quyết liệt kiểm soát nợ công; kiên quyết không dồn gánh nặng nợ công cho các thế hệ tương lai.

Tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế