Quản lý, sử dụng ngân sách gắn chặt với yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí

PV.

Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; Mua sắm qua Hệ thống đấu thầu quốc gia; Sửa đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh là những giải pháp trọng tâm được Bộ Tài chính triển khai trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4.
 Quản lý, sử dụng ngân sách gắn chặt với yêu cầu tiết kiệm
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết : Trong quản lý NSNN, tuy có nhiều khó khăn, thách thức tác động bất lợi đến nguồn thu, song, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả hơn, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các cấp chủ động ứng phó với việc giảm thu và nhu cầu chi NSNN phát sinh; quyết liệt chống thất thu; điều hành chi chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính; tiết kiệm triệt để NSNN, giữ lại 10% dự toán các cấp; giữ lại 50% dự phòng ngân sách; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi...
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 đã cơ bản đạt và vượt dự toán, bảo đảm nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách.Tổng số tiết kiệm được khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Việc mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nhất là ô tô công đã có chuyển biến tích cực; 73 bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung và thực hiện mua sắm theo quy định.

Trong đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016-2020, bảo đảm nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, phân quyền, từng bước khắc phục lãng phí trong đầu tư công. Qua thẩm tra quyết toán 38.000 dự án, công trình đã cắt giảm giá trị đề nghị quyết toán 1.166,6 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch được kiểm soát chặt chẽ, giảm đáng kể so với trước.

Giải pháp trọng tâm năm 2017

Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong năm 2016 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2017, Bộ Tài chính đề ra những giải pháp trọng tâm như sau: Cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán; phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách...

Bên cạnh đó, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào; hạn chế mua sắm ô tô công, trang thiết bị đắt tiền; thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ; sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải pháp quan trọng là tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay; từng bước giảm dần vốn vay cho Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của DNNN; nâng cao điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.

Đặc biệt, đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; mua sắm qua Hệ thống đấu thầu quốc gia; sửa đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh, định mức ô tô phục vụ công tác chung; xác định lộ trình thực hiện khoán kinh phí sử dụng ô tô; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, kiên quyết thu hồi nhà đất sử dụng không đúng mục đích.