Quyết liệt điều hành thu - chi đảm bảo cân đối NSNN

Minh Anh (HQ Online)

Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức điều hành nhiệm vụ tài chính- NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Quyết liệt điều hành thu - chi đảm bảo cân đối NSNN
Kiểm tra hàng hóa XNK tại Cục Hải quan Đồng Nai.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2012 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về công tác điều hành ngân sách các tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thời gian qua đã không ngừng nỗ lực thực hiện công tác điều hành thu, chi và đảm bảo cân đối ngân sách.

Ngành Tài chính đặc biệt chú trọng công tác tổ chức điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán; thực hiện tăng tiến độ bổ sung từ ngân sách trung ương cho các địa phương có khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2012.

Cùng với đó, toàn ngành Tài chính đã tập trung tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống chuyển giá tại DN; chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh xử lý nợ đọng thuế nội địa và thuế XNK...

Đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển và xử lý nợ đọng trong lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã có văn bản  trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thực hiện thanh toán đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2012 của các bộ, ngành và địa phương để làm cơ sở kiểm soát chi.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp liên quan đến việc tạm ứng vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn trong những tháng cuối năm 2012, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch vốn năm 2012.

Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tích cực và đạt kết quả tốt trong huy động vốn. Trong tháng 10-2012, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức huy động được 14.995,6 tỷ đồng, bằng 491,6% so với cùng kỳ năm 2011. Lũy kế 10 tháng, Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 115.883,85 tỷ đồng, bằng 96,56% kế hoạch huy động vốn điều chỉnh năm 2012 (120.000 tỷ đồng) và bằng 180,8% so với cùng kỳ 2011 (64.080 tỷ đồng).

Với đồng bộ các giải pháp tài chính - ngân sách, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô 10 tháng đầu năm phát sinh nhiều khó khăn, hoạt động thu chi NSNN vẫn đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tổng thu NSNN ước đạt 76,2% dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt 78,8% dự toán. Vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 76,2% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 75,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, so với kế hoạch, tình hình thu NSNN vẫn hết sức khó khăn. Để hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm 2012, 2 tháng còn lại của năm 2012, ngành tài chính còn phải thu 23,8% kế hoạch, tức là 11,9% kế hoạch mỗi tháng, trong khi thu bình quân 10 tháng chỉ là 7,6% kế hoạch. Do đó, trong 2 tháng cuối năm, nhiệm vụ thu ngân sách vẫn là quan trọng số 1 đối với toàn ngành Tài chính.

Để hoàn thành dự toán NSNN năm 2012, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; tăng cường quản lý thu, chống thất thu và nợ thuế; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá nhất là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số mặt hàng, xăng dầu, điện, than, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chi ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, tăng cường kiểm tra giám sát, rà soát đầu tư công, hạn chế tối đa ứng vốn, hạn chế chuyển nguồn sang năm sau theo Nghị quyết của QH nhằm đảm bảo cân đối NSNN, đảm bảo thu chi NSNN và bội chi NSNN theo dự toán.