Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Quyết tâm thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) luôn được coi là kênh rất quan trọng để thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cho nền kinh tế; đồng thời cũng là nơi luân chuyển các nguồn vốn đầu tư, nâng cao khả năng sử dụng vốn có hiệu quả cũng như nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN), tăng tính công khai, minh bạch hoạt động của DN cũng như nền kinh tế. Đặc biệt đối với Việt Nam chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế và việc hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới thì việc phát triển nhanh, bền vững TTCK có ý nghĩa rất thiết thực để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cải cách nền kinh tế.

Năm 2014, UBCKNN tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm triển khai tái cấu trúc TTCK. Nguồn: internet
Năm 2014, UBCKNN tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm triển khai tái cấu trúc TTCK. Nguồn: internet

Triển khai một bước lộ trình tái cấu trúc TTCK

TTCK Việt Nam năm 2013 đã có những diễn biến khả quan nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô; các giải pháp vĩ mô đã dần phát huy tác dụng và các giải pháp tích cực trong lĩnh vực chứng khoán, kết quả được thể hiện trong một số diễn biến chính như sau:

Thứ nhất, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2012. Chỉ số VN-Index tăng trên 22%; HN-Index tăng 13% so với cuối năm 2012. TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới; riêng thị trường trái phiếu có mức tăng lớn nhất trong khu vực.

Thứ hai, mức vốn hóa vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31%GDP; trong đó tổng dòng vốn nước ngoài tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.   

Thứ ba, tổng giá trị huy động vốn ước đạt 222 nghìn tỷ đồng, tăng 25%; trong đó cổ phiếu là 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012; trái phiếu Chính phủ đạt 177,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24%.

Căn cứ vào Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến tái cấu trúc, đồng thời trong năm 2013 Bộ Tài chính đã triển khai một bước lộ trình tái cấu trúc TTCK, cụ thể như sau:

Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa: Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản pháp lý quy định rõ tiêu chuẩn phát hành, niêm yết theo hướng nâng cao đồng thời quy định các nội dung về công bố thông tin, quản trị công ty theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; Đồng thời Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về việc niêm yết của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc các công ty niêm yết.

Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư: Cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường đã có sự cải thiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt gần 1,4 triệu, trong đó số lượng nhà đầu tư nước ngoài tăng 10%, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 55%; Khung pháp lý về quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, ETF, công ty đầu tư chứng khoán đã được ban hành.

Hiện nay đã có 08 quỹ mở được thành lập, dự kiến sẽ có trên 05 quỹ mở và 01 quỹ đầu tư bất động sản mới trong thời gian tới; Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển quỹ hưu trí tự nguyện; tạo điều kiện bổ sung hệ thống an sinh xã hội, đồng thời tạo ra nhà đầu tư có tổ chức cho TTCK; Thủ tục cấp mã số giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cải tiến theo hướng giảm thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường chế độ báo cáo và tính minh bạch của dòng vốn này.

Tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán: Các mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự, cụ thể như sau:

Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý và đẩy nhanh việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó  Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư về an toàn tài chính; về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng kiểm soát chặt chẽ vấn đề rủi ro, đầu tư bất động sản, vấn đề liên thông vốn với ngân hàng, vấn đề tách bạch tài khoản; kiểm soát việc ủy thác vốn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Quy chế hướng dẫn xếp loại công ty chứng khoán theo tiêu chuẩn CAMEL.

Biện pháp xử lý đối với các công ty chứng khoán: Dựa trên cơ sở báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng của các công ty chứng khoán, đã phân loại các công ty chứng khoán thành 4 nhóm: Nhóm 1: hoạt động lành mạnh gồm 79 công ty; Nhóm 2: hoạt động bình thường gồm 08 công ty; Nhóm 3: bị kiểm soát gồm 05 công ty; Nhóm 4: bị kiểm soát đặc biệt gồm 09 công ty.

Qua đó đã có các giải pháp xử lý và tái cơ cấu đối với từng nhóm tập trung vào các giải pháp chính như: Từng bước nâng cao năng lực tài chính; cơ cấu lại hoạt động; nâng cao quản trị rủi ro; quản trị công ty; tạo điều kiện và hướng dẫn để các công ty tái cấu trúc thông qua hợp nhất, sáp nhập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các công ty chứng khoán; tăng tần suất báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính lên 2 lần/tháng.

Minh bạch hệ thống pháp luật về chứng khoán

Năm 2014 được dự báo tình hình kinh tế - tài chính còn rất nhiều khó khăn, tại Hội nghị của UBCKNN diễn ra ngày 11/12, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần tăng cường phối hợp với UBCKNN, trong đó đặc biệt tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, về khung khổ pháp lý, trước mắt UBCKNN cần tiếp tục hoàn thiện các đề án đã đăng ký như Đề án TTCK phái sinh, Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Quyết định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Bởi đây là những đề án quan trọng, có tác động trực tiếp đến tổ chức và phát triển thị trường.

Ngoài ra, UBCKNN cần rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật, có kế hoạch hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển TTCK, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập nhất là các cam kết trong WTO và tới đây là cam kết trong TPP (Hiệp định xuyên Thái Bình Dương). Việc minh bạch hệ thống pháp luật về chứng khoán sẽ góp phần quan trọng để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào TTCK.

Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược phát triển TTCK và Đề án tái cấu trúc TTCK đã được TTCP phê duyệt, cụ thể: Tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK trong đó chú trọng chất lượng các DN niêm yết; Tái cấu trúc cơ sở  các nhà đầu tư, khuyến khích hình thành và phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, đặc biệt là quỹ hưu trí tự nguyện; Tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro; Tái cấu trúc lại hệ thống giao dịch chứng khoán.

Ba là, về các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường cần phải đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện cơ cấu lại DNNN, đây là điểm then chốt trong tiến trình cải cách quản lý tài chính đối với DNNN; Thực hiện công tác công khai, minh bạch, theo đó các DN sau khi phát hành ra công chúng (kể cả DNNN cổ phần hóa) phải lên niêm yết trên thị trường theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và công khai hóa thông tin; Mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam theo các cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập.

Bốn là, về công tác quản lý giám sát đối với TTCK, do thị trường ngày càng phát triển nên tính phức tạp càng cao hơn, mặt khác TTCK liên thông với ngân hàng, vì vậy đòi hỏi UBCKNN cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, đảm bảo hoạt động thị trường lành mạnh.

Năm là, về hợp tác quốc tế, UBCKNN chủ động triển khai Biên bản ghi nhớ đa phương đã cam kết với UBCKNN các nước (IOSCO), mở rộng hợp tác với các TTCK trong khu vực theo hướng hội nhập và học tập kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cho phù hợp.

Bước sang năm 2014, trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước dự báo tiếp tục có những khó khăn, UBCKNN tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm triển khai tái cấu trúc TTCK theo Đề án tái cấu trúc TTCK đã được phê duyệt và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.