Sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công

Theo Hương Quỳnh/tapchithue.com.vn

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả đạt được sau thời gian thí điểm, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công sẽ tiếp tục được mở rộng, tiến tới sẽ khoán bắt buộc đối với một số chức danh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đánh giá của Bộ Tài chính cho biết, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt đầu được quy định từ năm 2007 tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg. Tuy nhiên, do thực hiện theo cơ chế tự nguyện nên thực tế còn ít chức danh đăng ký áp dụng.

Thậm chí, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện, hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án nhưng vẫn mang tính thăm dò, thí điểm. Vì vậy, giai đoạn này, cơ chế khoán xe công cơ bản chưa được thực hiện, cả nước chỉ có một vài trường hợp đăng ký khoán.

Sau đó, Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg tiếp tục hướng dẫn việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện, nhưng quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, đảm bảo phương tiện cho đối tượng nhận khoán.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe.

Trên cơ sở này, đến nay có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã thực hiện khoán xe công như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng.  

Trong đó, có một số bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều chức danh như Bộ Tài chính, UBND TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Đơn cử tại Bộ Tài chính, từ 1/10/2016 đã bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các DN có tiêu chuẩn.

Từ 1/5/2017, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương). Tới nay, tính riêng khối Văn phòng Bộ Tài chính, số đầu xe đã giảm gần 50%.

Tại các địa phương, việc thí điểm khoán xe ô tô công bước đầu cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong tiết giảm chi phí. Cụ thể, tại Hà Nội, từ 20/2/2017 áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, trong đó có 4 sở, 2 quận và 2 huyện.

Đồng thời, có 52 người thuộc diện thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 và khối quận, huyện là 32. Kết quả thí điểm cho thấy, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được thực hiện từ tháng 5/2018 tại 5 đơn vị. Trước mắt, việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán của UBND TP. Hồ Chí Minh, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm.

Theo ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), việc khoán kinh phí sử dụng đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm chi phí vận hành; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe công.

Các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán, qua đó tạo hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, hiện Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ).

Theo đó, sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán.

Đồng thời, dự thảo nghị định cũng đề xuất giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế.