Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách

PV.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách là một trong các nội dung quan trọng được Chính phủ thảo luận và đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Đồng thời, Chính phủ quán triệt các bộ, ngành cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này trong những tháng tiếp theo…

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách là một trong các nội dung quan trọng luôn được Chính phủ  đặt lên hàng đầu
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách là một trong các nội dung quan trọng luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; đồng thời phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Cùng với đó, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đã đề ra.

Đồng thời, tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp. Nhanh chóng tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững trình Chính phủ trong tháng 9/2016. Chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi.

Mặt khác, kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, kịp thời, thuận lợi cho doanh nghiệp, theo hướng cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng trước, kiểm tra sau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.

Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, Chính phủ cũng chỉ đao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương phối hợp chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT.

Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ quản lý ngành củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu; tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế khi tham gia thị trường ASEAN và các thị trường tiềm năng khác, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, kiểm soát nhập khẩu.

Cùng với đó, rà soát cơ chế thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ; chú trọng phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, nhất là hàng hóa nông sản.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT.

Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, có nội dung giao 2 Bộ Tài chính và Giao thông vận tải phối hợp thực hiện điều chỉnh mức phí đường bộ BOT cho phù hợp hơn.


Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tài chính đã họp với Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở thảo luận, thống nhất vớiBộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về phương án giảm phí BOT.


Theo đề xuất này, việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt). Đây là những loại xe phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất. Công văn cũng nêu các trạm phải rà soát nguyên tắc cũng như trình tự thực hiện.

Với đề xuất này, trong công văn có nêu rà soát các trạm và nguyên tắc cũng như trình tự thực hiện và mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5810 thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính khẩn trương lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, báo cáo về vấn đề này.


Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ ngành, các địa phương, các nhà đầu tư và đề nghị có ý kiến gửi về Bộ trước ngày 1/8, hiện Bộ đang tập hợp các ý kiến và trong tháng 8 này sẽ trình Thủ tướng theo đúng yêu cầu.