Song hành đi lên cùng đất nước

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc phát triển cao hơn trong những giai đoạn tiếp theo. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh 2/9 và Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2013), đồng chí Đinh Tiến Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dành thời gian trả lời phỏng vấn để ôn lại những dấu mốc trên chặng đường phát triển và định hướng xây dựng phát triển Ngành trong thời gian tới.

 Song hành đi lên cùng đất nước
Toàn ngành Tài chính đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán NSNN năm 2013. Nguồn: internet

PV: Nhìn lại chặng đường vẻ vang trong suốt 68 năm qua, với chức năng quản lý nhà nước về tài chính- ngân sách và nhiều lĩnh vực quan trọng khác, ngành Tài chính đã góp phần quan trọng làm cho thế và lực của nước ta lớn mạnh lên rất nhiều. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của ngành Tài chính thời gian qua?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong 68 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự kiện toàn về tổ chức bộ máy, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, ngành Tài chính đã hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), thuế, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp.

Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh, đã đóng góp vai trò to lớn vào những thắng lợi trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. An ninh tài chính được giữ vững với mức bội chi trong phạm vi kiểm soát; dư nợ chính phủ ở ngưỡng an toàn đã góp phần làm ổn định cân đối kinh tế vĩ mô.

Hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và phát triển, cơ cấu, quy mô, phạm vi hoạt động được mở rộng và đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta đã chủ động và đạt được nhiều bước tiến trong hội nhập quốc tế về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, đa phương góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, để đối phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tác động đến tình hình kinh tế trong nước, với nhiệm vụ được giao, ngành Tài chính đã tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhiều giải pháp về tài chính- ngân sách quan trọng góp phần thực hiện thành công ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đưa Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nền kinh tế liên tục tăng trưởng dương.

Sở dĩ có được những thành tựu trong suốt chặng đường vẻ vang xây dựng và trưởng thành là do các thế hệ cán bộ ngành Tài chính đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Cùng song hành với sự phát triển của đất nước, ngành Tài chính sẽ đứng trước cơ hội mới để phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính ở nhiều nước trên thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước. Là người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng sẽ ưu tiên chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?

Thời gian qua tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng rất sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng ngay từ đầu năm 2013, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành trong cả nước đã tập trung điều hành quyết liệt nên các mục tiêu lớn về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến tình hình thu ngân sách, cân đối ngân sách trở nên hết sức khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, với quyết tâm chính trị cao, toàn ngành Tài chính đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán NSNN năm 2013. Cụ thể, ngành Tài chính sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp chủ đạo sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất, cùng các cấp, các ngành, ngành Tài chính triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ và các Luật đã được Quốc hội thông qua như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Nhóm giải pháp thứ hai là, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN năm 2013, đẩy mạnh việc thực hiện rà soát đối với những khoản thu và địa bàn thu trọng điểm; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống chuyển giá; kiểm tra, thanh tra việc hoàn thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN. Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

Nhóm giải pháp thứ ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giá, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định nguồn thu. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường dịch vụ tài chính, bảo hiểm...

Những năm qua, ngành Hải quan đã nỗ lực không ngừng trên các mặt công tác, đặc biệt là một trong những đơn vị đi đầu về cải cách, hiện đại hóa trong khối các cơ quan Trung ương. Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo về công tác hải quan trong thời gian tới?

Ngành Hải quan là đơn vị có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế, liên quan mật thiết đến lợi ích người dân, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. Thời gian qua, ngành Hải quan đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện tốt công tác giám sát quản lí hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất khẩu cảnh, quá cảnh…; thực hiện hiệu quả các chương trình hiện đại hóa hải quan và cải cách thủ tục hành chính. Nổi bật, đó là ngành Hải quan đã và đang triển khai các công việc liên quan đến tiếp nhận và vận hành Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).

Phát huy những kết quả đạt được, ngành Hải quan cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ về thu ngân sách; cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và chú trọng công tác xây dựng lực lượng.

Trong đó, thu ngân sách vẫn là mục tiêu quan trọng số một trong bối cảnh hiện nay theo phương châm thu đúng, thu đủ, chính xác, phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán được giao. Về công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan cần thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, DN và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Ngành Hải quan phải đặt ra quyết tâm chính trị đối với cải cách và hiện đại hoá như sứ mệnh sống còn của Ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong tương lai, ngành Hải quan cần xác định rõ sứ mệnh của Ngành đó là vừa tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế, vừa bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia, trong đó tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Đây chính là xu thế của hải quan hiện đại mà Hải quan Việt Nam cần hướng tới.

Công tác cán bộ luôn được các thế hệ lãnh đạo ngành Tài chính coi trọng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên đã từng căn dặn: "Phải giữ được nét son của người cán bộ làm công tác tài chính". Xin Bộ trưởng cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, ngành Tài chính sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, vừa “hồng” vừa “chuyên” như thế nào?

Để có được những thành tựu trong suốt chặng đường vừa qua là do sự dốc sức, đồng lòng của toàn thể lãnh đạo, cán bộ ngành Tài chính qua các thế hệ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có thể nói, trong suốt 68 năm qua, phát huy truyền thống, theo gương các thế hệ đi trước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã trưởng thành và tiến bộ trên nhiều phương diện, không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Kỷ niệm ngày Truyền thống là dịp để lớp cán bộ công chức tài chính hôm nay tri ân những bậc cán bộ lão thành đã tận tuỵ góp công sức cho ngành Tài chính, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để cán bộ, công chức toàn ngành Tài chính cùng nhìn nhận lại mình, không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất, tô đậm thêm nét son cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người cán bộ Tài chính.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ trong sự nghiệp phát triển, Bộ Tài chính luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật cũng được Ngành đặc biệt chú trọng nhằm hình thành đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ cán bộ công chức; tiếp tục triển khai công tác quy hoạch cán bộ từ nay tới năm 2015 và chuẩn bị công tác quy hoạch giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo nguồn cán bộ trong tương lai.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 68 năm qua, thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tài chính hôm nay luôn đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!