Lợi ích thiết thực

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện nay Việt Nam có khoảng trên 1,7 triệu hộ kinh doanh (HKD), đóng góp khoảng 2,65% tổng thu NSNN. Tuy nhiên, nguồn nhân lực để quản lý HKD chiếm khoảng 20,55% tổng số cán bộ thuế (chỉ tính số cán bộ ở các đội thuế liên xã phường quản lý trực tiếp các hộ kinh doanh). Mặc dù số thuế đóng góp cho ngân sách không cao, song việc quản lý các HKD có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu xây dựng môi trường quản lý thuế minh bạch, hiệu quả. Vì vậy, làm thế nào quản lý và thu thuế đối với HKD đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HKD thực hiện nghĩa vụ thuế là nhiệm vụ quan trọng của ngành Thuế.

Theo bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Trưởng Ban Cải cách (Tổng cục Thuế), hiện nay ngành Thuế đang triển khai 3 hình thức thu nộp thuế đối với HKD cá thể như: Đôn đốc hộ kinh doanh thu thuế tại các điểm thu của ngân hàng, kho bạc; Thu thuế thông qua nhân viên uỷ nhiệm thu; Cán bộ thuế thu trực tiếp. Tuy nhiên, thủ tục thu nộp còn phức tạp, lạc hậu, uỷ nhiệm thu ở nhiều nơi không hiệu quả, triển khai thu thuế qua ngân hàng thương mại còn hạn chế, chưa thuận lợi cho hộ kinh doanh.

Kết quả khảo sát mới đây của Tổng cục Thuế cho thấy, có khoảng 52,54% số chi cục đã áp dụng hình thức thu thuế qua NHTM. Dù vậy, tới 63,31% số chi cục đã áp dụng thu thuế qua NHTM cho biết, các điểm thu của Kho bạc Nhà nước (KBNN), NHTM hiện chưa được bố trí đều và thuận lợi tại các địa bàn. Cũng theo khảo sát, có 12,05% số chicục Thuế cho biết cán bộ ủy nhiệm thu đã tham gia trực tiếp tại các điểm thu của KBNN và NHTM.

Trong số này, có 66,67% số chi cục giao cho cán bộ ủy nhiệm thu phối hợp thu thuế; 57,33% số chi cục giao cho cán bộ ủy nhiệm thu thực hiện đối chiếu tiền nộp thuế; 34,67% số chi cục giao cho cán bộ ủy nhiệm thu hướng dẫn giải thích cho người nộp thuế và 5,33% số chicục Thuế giao cho cán bộ ủy nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ khác. Một số chicục Thuế cho rằng, việc bố trí cán bộ ủy nhiệm thu tại các địa điểm thu chỉ là hình thức, vì cán bộ ủy nhiệm thu không có vai trò gì.

Có thể thấy, việc triển khai thu thuế qua ngân hàng đối với HKD tuy đã và đang được đẩy mạnh triển khai, dù bước đầu đem lại một số kết quả, song vẫn còn không ít khó khăn. Công tác phối hợp thu qua NHTM đòi hỏi dữ liệu ban đầu phải chính xác, đặc biệt là với số phải thu NSNN.

Nhưng thực tế triển khai tại một số địa bàn, thông tin về người nộp thuế chưa được cập nhật đầy đủ, gây khó khăn cho công tác thu nộp và đối chiếu giữa cơ quan Thuế, kho bạc, ngân hàng. Hạn chế trên gây khó khăn cho công tác thu, nộp và đối chiếu số liệu giữa NHTM, KBNN và cơ quan Thuế.

Một số ngân hàng đã triển khai kết nối trực tiếp với cổng thông tin của Tổng cục Thuế để nhận thông tin về người nộp thuế, nhưng thực tế việc mới chỉ diễn ra một chiều từ Tổng cục Thuế đến ngân hàng và không thực hiện đối chiếu trực tiếp số phải thu, số đã thu, số nợ của người nộp thuế với cơ quan Thuế, dẫn đến tình trạng theo dõi số thu đôi lúc không kịp thời.

Vào cuộc mạnh mẽ

Tại cuộc Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể” do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2013, chính sách thuế đối với HKD tiếp tục có sự thay đổi theo hướng nâng mức lương tối thiểu áp dụng tại DN, nâng mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ đối với thuế TNCN nên số lượng HKD phát sinh thuế phải nộp hàng tháng hàng, quý giảm đáng kể. Chỉ các HKD quy mô trung bình và lớn ở các đô thị mới phải nộp thuế. Còn lại hầu hết các khu vực vùng sâu, vùng xa, các hộ kinh doanh không phải nộp thuế tháng, quý mà chỉ nộp thuế môn bài 1 lần/năm.

Đến cuối năm 2012, Ngành Thuế đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước ký kết các thỏa thuận hợp tác thu NSNN với 08 ngân hàng: VietinBank, VietcomBank, BIDV, AgriBank, LienvietPostBank, TienphongBank, Maritimebank, VIBank.

Do đó, để phù hợp với tiến độ triển khai dự án thu thuế qua NHTM và quá trình điều chỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành, Tổng cục Thuế đã triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, các Cục Thuế tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các Chi cục Thuế tiến hành rà soát lại danh bạ người nộp thuế để đảm bảo quản lý được hầu hết các HKD phát sinh trên địa bàn; phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường thực hiện điều tra doanh số đối với một số ngành nghề trọng điểm để xác định doanh thu làm căn cứ tính mức thuế khoán cho sát, đúng với thực tế, đảm bảo không thất thu thuế nhưng cũng không lạm thu đối với các HKD

Hai là, cơ quan Thuế phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai rộng rãi dự án thu thuế qua NHTM, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu nộp thuế; tiến hành tuyên truyền, quảng bá lợi ích của việc nộp thuế trực tiếp tại các NHTM và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để việc nộp thuế được thuận tiện. Các Chi cục Thuế cần kiểm tra, rà soát lại thông tin, đảm bảo các HKD đều được cấp mã số thuế và lập bộ trên các ứng dụng của ngành, làm cơ sở để trao đổi dữ liệu thông tin giữa cơ quan Thuế với kho bạc và các NHTM.

Ba là, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các Chi cục Thuế cần rà soát, sắp xếp lại các đội thuế liên xã, phường trên cơ sở xác định lại địa bàn, phạm vi, đối tượng thực hiện ủy nhiệm thu, phân bổ nguồn kinh phí ở địa phương một cách hiệu quả, tiết kiệm và tiến tới chấm dứt việc ủy nhiệm thu đối với HKD từ 01/01/2014.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013

Sự hợp tác ý nghĩa

TS. Đinh Văn Hải

(Tài chính) Chương trình hợp tác giữa ngành Thuế với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hoạt động thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã tiến được bước dài. Lợi ích thiết thực mang lại được “chia đều” cho các bên doanh nghiệp, ngân hàng, Nhà nước. Nhằm tiếp tục phát huy lợi ích này, ngành Thuế đang đẩy mạnh thực hiện thu thuế hộ kinh doanh qua ngân hàng…

Xem thêm

Video nổi bật