“Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản”

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung tại phiên đối thoại “Tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam và cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản” trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013 (VJES). Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

“Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản”
Toàn cảnh phiên đối thoại. Nguồn: mof.gov.vn

Đây là Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Thời báo Kinh tế Nhật Bản - Nikkei Business Publications (Nikkei BP) phối hợp tổ chức, cùng sự hỗ trợ từ Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, hiện nay Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước một cách triệt để. Đây là một hướng để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nêu rõ, trong khi sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước cần phải đẩy mạnh quá trình giảm vốn. Đây là một thông tin hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng là một phương án để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản tham gia vào cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước như những nhà đầu tư chiến lược.

Đề cập đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết đầu tư của những doanh nghiệp này tăng mạnh trong những năm gần đây.

Bộ trưởng cũng cụ thể hóa một số con số liên quan đến số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2012 là 317 dự án, kỷ lục cao nhất trong 2 năm liên tiếp (năm 2011 là 234 dự án).

Bộ trưởng cho rằng với sự quan tâm lớn của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cần tận dụng cơ hội. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định.

Việt Nam cần phải quan tâm 03 vấn đề là cải cách về thể chế, xây dựng hệ thống khung pháp luật để tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam và xây dựng hạ tầng giao thông đô thị tốt để thu hút đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ.

Đại diện cho ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, từ nay đến năm 2015 hệ thống ngân hàng sẽ xử lý dứt điểm những tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời cho phép các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng cổ phần Việt Nam, trong đó khuyến khích các ngân hàng Nhật Bản và từng bước tạo lập môi trường an toàn trong hệ thống ngân hàng.

Theo quan điểm của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có 6 ngành được ưu tiên tập trung phát triển gồm: Điện tử; Chế biến nông, thủy sản; Máy nông nghiệp; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; Đóng tàu.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản cần hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển các ngành đã chọn, đồng thời đẩy mạnh cải cách đồng bộ thủ tục hành chính, tập trung rà soát, đánh giá chiến lược, quy hoạch và chính sách hiện hành liên quan đến 6 ngành ưu tiên được đề ra nhằm đưa nền kinh tế hai nước ngày càng phát triển.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki cũng nhất trí cần đẩy mạnh việc đưa doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vào đầu tư tại Việt Nam cũng như 3 vấn đề Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm để có thể thu hút triệt để lượng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.