Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2013):

Tấm lòng của một gia đình thương gia yêu nước với cách mạng

Hải Phan

(Tài chính) Cách mạng tháng Tám thành công đã chấm dứt chế độ thuộc địa gần một thế kỷ và chế độ phong kiến hàng nghìn năm trên đất nước Việt Nam. Đóng góp vào sự kiện lịch sử đó, có công lao của một gia đình doanh nhân yêu nước tiêu biểu - doanh nhân Trịnh Văn Bô. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, FinalcePlus.vn xin giới thiệu bài viết về gia đình thương gia tiêu biểu này.

Các thế hệ lãnh đạo Bộ Tài chính chụp ảnh lưu niệm với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tại Tọa đàm khoa học: “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”. Nguồn: FinancePlus.vn
Các thế hệ lãnh đạo Bộ Tài chính chụp ảnh lưu niệm với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tại Tọa đàm khoa học: “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”. Nguồn: FinancePlus.vn

Sinh thời, lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã khẳng định, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, không ngại hy sinh, gian khổ của Đảng ta, là thành quả kết tinh từ lòng yêu nước, từ khát vọng độc lập dân tộc của toàn thể nhân dân ta qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều thế hệ người Việt. Cuộc cách mạng đó đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp, không chỉ giai cấp công nông mà còn có không ít các thương gia, các nhà tư sản dân tộc. Gia đình cụ Trịnh Văn Bô, một doanh nhân nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ là một điển hình như thế…

Là một trong những nhà tư sản dân tộc tiêu biểu đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà tư sản yêu nước khác như Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà…gia đình cụ Trịnh Văn Bô từ rất sớm xây dựng được một sản nghiệp lớn nhờ vào tài năng, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo, thể hiện tinh thần vượt khó của giới công thương Việt Nam, bất chấp chế độ, luật lệ hà khắc của thực dân Pháp. Tích lũy được một lượng tài sản lớn nhưng vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô không chi tiêu hoang phí mà luôn dành một phần để hỗ trợ người nghèo, ủng hộ các phong trào yêu nước, mong muốn đóng góp cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Trước khi đến với ngọn cờ giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo, hai cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã tiếp xúc với một số tổ chức yêu nước ở Việt Nam. Qua tiếp xúc, hai cụ nhận thấy chỉ có ngọn cờ giải phóng dân tộc của mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo là chính nghĩa, đủ sức giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân.

Tấm lòng của một gia đình thương gia yêu nước với cách mạng - Ảnh 1

GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính thăm, chúc sức khỏe cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tại nhà riêng, số 34 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nguồn: FinancePlus.vn

Tự nguyện tham gia mặt trận Việt Minh cuối năm 1944, hiệu vải Phúc Lợi nổi tiếng của vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô tại số 48 Hàng Ngang, Hà Nội từ đây trở thành một địa chỉ đỏ của Đảng ta giữa lòng Hà Nội, là nơi che giấu, nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Khuất Duy Tiến... Không chỉ là địa chỉ bí mật nuôi giấu cán bộ, hiệu vải Phúc Lợi đã trở thành một chỗ dựa về tài chính của Đảng ta trong những năm đầy gian khó, thử thách. Đặc biệt, vào tháng Tám năm 1945, ngôi nhà 48 Hàng Ngang, giữa lòng Thủ đô Hà Nội còn vinh dự được đón, bảo vệ, nuôi dưỡng Bác Hồ. Và cũng tại nơi đây, trên căn gác 2 của ngôi nhà, Bác Hồ đã cho ra đời một văn bản bất hủ trong lịch sử hiện đại của dân tộc, Bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công nhưng Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch đứng đầu ngay lập tức phải đối mặt với muôn vàn thử thách khắc nghiệt. Ngân khố trống rỗng trong khi nền kinh tế kiệt quệ vì nạn đói - hậu quả của chính sách bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật. Thực dân Pháp lợi dụng giải giáp quân Nhật đã trở lại nổ súng xâm lược Nam Bộ, trong khi ở miền Bắc, 20 vạn quân Tàu Tưởng lấy cớ giải giáp quân đội Nhật tràn vào chiếm đóng, tiếp tay cho bè lũ Việt gian gây hấn với chính quyền cách mạng.

Trong những ngày tháng nguy nan của dân tộc, gia đình cụ Trịnh Văn Bô lại là những người đi đầu trong ủng hộ tài chính và vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội tham gia ủng hộ vật chất cho chính quyền non trẻ. Là thành viên ban vận động thành lập “Quỹ Độc lập”, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị đứng ra vận động tầng lớp công thương Hà Nội ủng hộ “Tuần lễ Vàng”… Không chỉ vận động, đi đầu mà hai cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ còn tự nguyện ủng hộ nhiều lần cho Đảng và chính quyền cách mạng, tổng số lên đến trên 5.147 lượng vàng, chiếm hơn 90% tài sản mà hai cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ tích lũy được.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nghe theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, gia đình Cụ đã từ bỏ tất cả cuộc sống giàu sang giữa lòng Thủ đô để lên chiến khu suốt chín năm trời, tham gia trường kỳ kháng chiến. Từ những thương nhân giàu có nổi tiếng ở Việt Nam, cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cùng các thành viên trong gia đình đã sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà cách mạng giao cho, sống cuộc đời bình dị như bao người và luôn giáo dục con cháu mài sáng đạo lý gia đình cũng như lòng yêu nước. Câu nói của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ với Hồ Chủ tịch trong những ngày gia đình Cụ vinh dự được nuôi dưỡng Người, khi Người bày tỏ sự khen ngợi thành quả và trí tuệ làm giàu; “Thưa Cụ, nhưng cháu vẫn có một nỗi nhục, đó là nỗi nhục mất nước” xứng đáng được mãi khắc ghi trong lịch sử về lòng yêu nước của các nhà công thương Việt Nam, vì tinh thần xả thân cho nghĩa lớn của dân tộc do Đảng và Bác lãnh đạo. Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Chủ tịch nước trao tặng cho hai cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với tấm lòng yêu nước và những đóng góp lớn lao ấy.

Tấm lòng của một gia đình thương gia yêu nước với cách mạng - Ảnh 2

Tập thể cán bộ Tạp chí Tài chính thăm, làm việc với gia đình cụ Trịnh Văn Bô, tháng 5/2013. Nguồn: FinancePlus.vn

Tấm gương làm giàu chân chính, xả thân vì dân tộc, vì Tổ quốc của cụ Trịnh Văn Bô và gia đình xứng đáng cho mỗi người Việt Nam noi theo. Đặc biệt, với đội ngũ doanh nhân - lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tấm gương của gia đình cụ Trịnh Văn Bô càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Ngày nay, việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Việt Nam đủ sức gánh vác sứ mệnh là lực lượng nòng cốt của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước luôn được Đảng ta chú trọng. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu mà Đảng ta đặt ra là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế…Như vậy, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã và đang được đánh giá ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, nhiều chính sách bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khuyến khích mọi người Việt Nam được phép làm giàu chính đáng, đặc biệt là việc cho phép, tạo điều kiện để đảng viên được làm kinh tế tư nhân, những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng.

Hiện cả nước có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp, trên 2 triệu doanh nhân và dưới sự điều hành của đội ngũ này, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm…thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, thực hiện thắng lợi công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước mà Đảng ta đang lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện, đưa đất nước không ngừng đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản là một nước công nghiệp như mục tiêu các Nghị quyết của Đảng đề ra.