Cơ quan Giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3:

Tăng cường năng lực ứng phó khủng hoảng kinh tế khu vực

Theo mof.gov.vn

Ngày 19/2, tại Singapore, Cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tổ chức Lễ ra mắt tổ chức quốc tế. Tham dự buổi lễ có đại diện Thứ trưởng tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương và quan chức tài chính, ngân hàng các nước trong khu vực. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam có Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Vũ Nhữ Thăng, cùng đại diện của Ngân hàng Nhà nước tham dự buổi lễ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3 được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 đồng thuận thành lập vào tháng 4/2011 trong khuôn khổ hợp tác của kênh hợp tác tài chính ASEAN+3, hoạt động theo luật doanh nghiệp của Singapore (quốc gia mà tổ chức AMRO đặt trụ sở).

Năm 2013,các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 đã nhất trí thông qua Hiệp định thành lập AMRO với tư cách là một tổ chức quốc tế với mong muốn đưa AMRO trở thành một tổ chức giám sát độc lập tại khu vực. Hiệp định đã được các nước thành viên ASEAN+3 ký kết vào tháng 10/2014 và có hiệu lực từ ngày 9/2/2016.

AMRO trở thành tổ chức quốc tế là một sự kiện trọng đại đánh dấu bước phát triển đột phá của hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3 trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ của toàn cầu, trong đó khẳng định vai trò, chức năng của công tác giám sát kinh tế, tài chính trong việc dự báo khủng hoảng kinh tế trong khu vực. Việc trở thành tổ chức quốc tế sẽ mang lại nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó tăng cường năng lực giám sát và đưa ra các khuyến nghị chính sách đối phó với khủng hoảng của AMRO. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để AMRO mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác, kết nối tài chính khu vực với toàn cầu.

Tại buổi lễ,Giám đốc tổ chức AMRO Yoichi Nemoto khẳng định cam kết của mình để nỗ lực tăng cường hiệu quả chức năng giám sát của AMRO nhằm giúp các nước ASEAN+3 bảo toàn trước các thách thức toàn cầu và phát triển kinh tế bền vững thông qua việc đẩy lùi các rủi ro; đóng góp vào việc xây dựng các quyết định chính sách và tạo lập cơ chế hoạt động hiệu quả, nhanh gọn của Quỹ Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM).

Với tư cách lànước thành viên ASEAN+3, Việt Nam có quyền tham gia vào các quyết sách trong AMRO, đồng thời cũng hưởng lợi từ việc AMRO trở thành tổ chức quốc tế. AMRO sẽ là tổ chức quốc tế đầu tiên của khu vực thực hiện chức năng giám sát kinh tế vĩ mô. Những đánh giá về tình hình kinh tế, phân tích các rủi ro và các đề xuất chính sách của AMRO về Việt Nam và các nước thành viên khác trong khu vực sẽ góp phần giúp Việt Nam có chuẩn bị tốt hơn trong việc dự báo và đối phó với các cú sốc kinh tế trong tương lai./.