Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu – ASEAN

Nguyễn Huyền

(Tài chính) Chiều 11/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với Phái đoàn Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu – ASEAN.

Lãnh đạo Bộ Tài chính và Phái Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu – ASEAN chụp ảnh lưu niệm. Nguồn: Financeplus.vn
Lãnh đạo Bộ Tài chính và Phái Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu – ASEAN chụp ảnh lưu niệm. Nguồn: Financeplus.vn

Về phía Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu – ASEAN có sự tham gia của trưởng đoàn - ông Sahala Siannipar, Cố vấn khu vực Đông Nam Á, Công ty Shell Eastern Petroleum (Pte) Ltd. Ngoài ra còn có đại diện một số doanh nghiệp thành viên của Liên minh thuộc các lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm - đồ uống, công nghệ điện tử, tài chính ngân hàng, năng lượng (xăng dầu, gas, nhiên liệu khác)…

Bên phía Bộ Tài chính có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Việc chiến lược và chính sách tài chính, Vụ Chính sách Thuế.

Tại buổi làm việc, Bộ Tài chính đánh giá cao hoạt động của Liên minh Doanh nghiệp Châu Âu - ASEAN nói chung và các doanh nghiệp thành viên của Liên minh nói riêng tại Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp thành viên của Liên minh đã quan tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận xét, trong thời gian gần đây, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu của sự phục hồi. Các chỉ tiêu kinh tế cũng ổn định và trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình ngân sách nhà nước chưa được cân đối, tổng thu cân đối ngân sách thấp hơn kế hoạch và sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Về tình hình tài chính, Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển phát triển ngành tài chính đến hết năm 2020. Trong đó, hai lĩnh vực trọng yếu của ngành tài chính là thuế và hải quan đã được Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, trong lĩnh vực Thuế, mục tiêu tổng quát cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế tăng tích tụ, tăng khả năng cạnh tranh; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết tích hợp, tự động hóa cao; giảm thời gian làm thủ tục thuế cho doanh nghiệp.

Còn đối với lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính cho biết, Hải quan Việt Nam đã tham gia công ước Kyoto và Hiệp định trị giá Hải quan. Hiện tại, Hải quan Việt Nam đang xây dựng hệ thống Hải quan điện tử và Hải quan một cửa với sự trợ giúp của Hải quan Nhật Bản. Hải quan Việt Nam không ngừng chuyển đổi phù hợp với thông lệ quốc tế và thúc đẩy lưu thông thương mại.

Trao đổi với Bộ Tài chính, các thành viên thuộc Liên minh doanh nghiệp châu Âu – ASEAN cũng bày tỏ sự quan tâm, đầu tư tới một số lĩnh vực. Trong từng vấn đề, Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm của mình. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng và khoa học công nghệ chất lượng cao, Việt nam sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ cao, phát triển và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch, vật liệu mới và sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Trong đó, Nhà nước ưu tiên phát triển ngành năng lượng, đặc biệt quản lý về khai thác, kinh doanh xăng dầu.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Việt Nam tiếp tục chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với mục tiêu là lành mạnh hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, Việt Nam đẩy mạnh các công tác: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định an toàn hoạt động ngân hàng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp...

Thời gian tới, chủ trương của Việt Nam là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và các lĩnh vực công nghệ cao, cần nhiều vốn và kinh nghiệm như y tế, giáo dục, năng lượng, đặc biệt là tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn hi vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp thành viên của Liên minh Châu Âu - ASEAN sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tại Việt Nam trên cơ sở chấp hành tốt pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về kinh tế - tài chính nói riêng.