Tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2017

Hà Phương

Tiếp tục tăng cường kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, hoàn thuế bất thường, các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp… Đồng thời, tăng cường thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, đầu tư, phân bổ vốn… Đó là khẳng định của Bộ Tài chính tại kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, thanh tra, kiểm tài chính năm 2017.

Theo đó, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải bám sát nhiệm vụ của ngành Tài chính, của địa phương, đơn vị; đồng thời phải gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Theo hướng dẫn kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2017 của Bộ Tài chính, nhiều loại hình doanh nghiệp (DN) sẽ nằm trong diện thanh tra, kiểm tra. Có thể kể tới các loại hình DN: Có rủi ro thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) lớn, các DN hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; các DN kinh doanh bất động sản, DN phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu “chuyển giá”; các DN nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, giá cả không ổn định, nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài.

Đồng thời, các DN có hoàn thuế lớn, hoàn thuế bất thường, các DN hoàn thuế hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, các DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ là đối tượng được tăng cường thanh tra, kiểm tra trong năm tới.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN.

Bên cạnh đó, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, trong đó tập trung thanh tra việc bố trí, phân bổ dự toán ; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi hỗ trợ từ NSNN, đảm bảo các khoản chi NSNN được thực hiện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác quản lý, điều hành vốn đầu tư, chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, nhất là việc triển khai, thực hiện phân bổ vốn theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung thanh tra các dự án lớn, dự án trọng điểm để kịp thời kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vưỡng mắc… đảm bảo các dự án được triển khai nhanh, đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư…

Song song với đó, công tác thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ phải được tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế công tác nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Ngành. Qua đó, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc chưa phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chuế quản lý tài chính.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu… Từ đó, tổng kết, đánh giá công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.