Tăng thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính để ứng phó với tình hình đột xuất, cấp bách

PV.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình về một số vấn đề liên quan lĩnh vực dự trữ quốc gia.

Ngành Tài chính xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Nguồn: internet
Ngành Tài chính xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Nguồn: internet

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị Chính phủ tăng thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính về mức xuất vật tư, thiết bị để ứng phó với tình hình đột xuất, cấp bách quy định tại Điều 36 của Luật Dự trữ quốc gia; đồng thời bổ sung thẩm quyền cho Tổng cục trưởng và Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trong việc xuất tạm ứng để ứng phó kịp thời với mọi tình huống đột xuất cấp bách xảy ra.

Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại Công văn số 10912/BTC-TCDT, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 36 Luật Dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nhập, xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước để phục vụ kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước thì Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chi dự phòng ngân sách Trung ương với mức không quá 03 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính về mức xuất hàng dự trữ quốc gia không quá 03 tỷ đồng như trên là phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, theo định hướng chiến lược phát triển dự trữ quốc gia, các mặt hàng đưa vào dự trữ quốc gia trong thời gian tới là các mặt hàng thiết yếu, chiến lược, tiên tiến, hiện đại, có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, đa số các mặt hàng trang thiết bị, vật tư, máy móc dự trữ quốc gia do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số mặt hàng do Bộ Tài chính quản lý có giá trị trên 03 tỷ đồng cho một mặt hàng. Đây là các mặt hàng đồng bộ, không thể tách rời khi xuất cấp, vì vậy cần thiết phải tăng thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tài chính để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Do vậy, tới đây Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tăng thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc xuất vật tư, thiết bị để ứng phó với các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

Về kiến nghị bổ sung thẩm quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trong việc xuất tạm ứng để ứng phó kịp thời với mọi tình huống đột xuất, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 36 của Luật Dự trữ quốc gia, việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách, thẩm quyền quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia là của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quy định này để bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động dự trữ quốc gia thống nhất, hiệu quả, hạn chế các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát hàng dự trữ.

Để bảo đảm công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia được nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được trong các tình huống, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Thông tư số 82/2016/TT-BTC ngày 16/6/2016 quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, viện trợ.
Trong đó, tại Khoản 4 Điều 6 của Thông tư số 211/2013/TT-BTC quy định rõ trong tình huống đột xuất, cấp bách, Thủ trưởng các đơn vị dự trữ quốc gia được sử dụng bản Fax (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia), hoặc điện thoại của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (nếu không nhận được bản Fax) để thực hiện xuất hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát sinh. Quy định này của Bộ Tài chính đã bảo đảm việc khẩn trương, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống đột xuất, cấp bách.