Tăng tốc phối hợp thu ngân sách giữa Hải quan với ngân hàng

PV.

Kết thúc năm 2015 là vừa tròn 5 năm Tổng cục Hải quan triển khai Dự án phối hợp thu ngân sách, bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử với các ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông quan hàng hoá nhanh chóng hơn

Kết quả triển khai cho thấy, lợi ích lớn nhất đó là giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí giấy tờ trong việc thực hiện thông quan hàng hoá XNK. Nhờ đó, việc thông quan hàng hoá cũng được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Ngay sau khi khách hàng nộp thuế XNK, thông tin nộp thuế sẽ truyền sang Kho bạc Nhà nước để hạch toán thuế, đồng thời truyền sang cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa. Như vậy, không những giảm bớt thời gian, công sức cho việc nộp thuế, mà còn giảm thời gian lưu kho bãi, giải phóng hàng hóa nhanh chóng, giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh ngoài ý muốn.

Chương trình phối hợp thu NSNN qua ngân hàng đã cho thấy những thế mạnh vượt trội như đa dạng hóa các hình thức nộp thuế, giúp người nộp thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn. Với ưu điểm là dữ liệu nộp thuế của khách hàng được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin liên ngành của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, ngân hàng có thể truy vấn thông tin về số thuế/tờ khai hải quan của khách hàng được chuẩn xác. Từ đó, ngân hàng thu thuế và hạch toán thông tin nộp thuế của DN đến các cơ quan liên ngành một cách chính xác, kịp thời và nhanh chóng.

Không dừng lại ở đó, để tăng cường cải cách, đơn giản thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cuối tháng 10-2014 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 126/2014/TT-BTC quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa XK, NK; trong đó đã quy định về điều kiện và hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức tín dụng được tham gia phối hợp thu NSNN với cơ quan Hải quan… Đây được xem là cơ sở pháp lý để công tác phối hợp thu NSNN được “phủ sóng” đến tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần. Với những quy định mới của Thông tư 126/2014/TT-BTC này, việc nộp thuế của DN được cơ quan Hải quan cập nhật nhanh, thường xuyên và chính xác hơn. Chính những quy định ”mở” như trên đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho Hải quan và DN. Thời gian nộp thuế XNK trước đây là khoảng 30 phút nay giảm còn khoảng 5-7 phút. DN có thể nộp tiền tại nhiều điểm khác nhau, trong và ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại (qua internet, ATM, thư bảo lãnh…) rất thuận tiện. Đối với cơ quan Hải quan, qua đó nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, làm tăng mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với cơ quan Hải quan.

Nỗ lực tạo thuận lợi tối đa phối hợp thu ngân sách

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực đẩy mạnh việc thu NSNN qua các ngân hàng thương mại để nhằm cung cấp cho người nộp thuế những dịch vụ nộp thuế thuận tiện và nhanh chóng nhất, rút ngắn được thời gian và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại của DN.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện triển khai thanh toán điện tử trong phối hợp thu NSNN. Nội dung văn bản số 7179 cho biết, để triển khai thanh toán điện tử trong phối hợp thu ngân sách đạt hiệu quả tốt, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện nhiều nội dung quan trọng, trong đó NHNN yêu cầucác ngân hàng chỉ triển khai phối hợp thu sau khi đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật và thống nhất với cơ quan Hải quan, Thuế, Kho bạc Nhà nước về trách nhiệm giữa các bên trong quy trình thực hiện, trao đổi thông tin, dữ liệu nộp thuế, phí và lệ phí của khách hàng…

Liên quan đến việc thanh toán thu nộp thuế, hiện nay, DN có thể nộp thuế và thanh toán thuế, lệ phí hải quan, thu khác qua 4 kênh sau: Ngân hàng phối hợp thu, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng chưa phối hợp thu và tại cơ quan Hải quan.

Trường hợp nộp tiền qua ngân hàng phối hợp thu, trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước: việc truyền, nhận thông tin thu nộp thuế, hạch toán, trừ nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ về thuế và thông quan hàng hóa được thực hiện online và 24/7, nên không xảy ra tình trạng DN đã nộp tiền, được hạch toán nhưng còn treo nợ thuế trên hệ thống làm DN không thông quan được hàng hóa.

Thực tế hiện nay, ngay sau khi nhận được thông tin đã nộp thuế từ ngân hàng phối hợp thu/Kho bạc Nhà nước, cơ quan Hải quan hạch toán trừ nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để cấp phép thông quan hàng hóa, thời gian chỉ tính bằng phút (tức là từ lúc cổng thanh toán điện tử hải quan chấp nhận thanh toán từ ngân hàng chuyển qua hệ thống kế toán thuế là online, từ hệ thống kế toán sang VNACCS tần suất là 5 giây/lần chuyển).

Trường hợp DN nộp tiền tại ngân hàng chưa phối hợp thu, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 126/2014/TT-BTC: sau khi ngân hàng thu tiền từ người nộp thuế sẽ chuyển thông tin và tiền sang ngân hàng ủy nhiệm thu (BIDV, Agribank, Vietinbank, VCB) hoặc chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Khi nhận được thông tin thanh toán từ ngân hàng ủy nhiệm thu hoặc bảng kê giấy nộp tiền do Kho bạc Nhà nước chuyển đến, cơ quan Hải quan sẽ hạch toán online trừ nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ về thuế và thông quan hàng hóa.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN 100% vốn nước ngoài thường sử dụng thanh toán qua các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới có 02 ngân hàng nước ngoài phối hợp thu (ANZ và BTMU), nên các DN đầu tư, liên doanh thường chuyển tiền qua các ngân hàng chưa phối hợp thu nên có thể đã xảy ra tình trạng DN đã nộp tiền nhưng hàng hóa chưa được thông quan.

Liên quan đến đề nghị của DN về giải pháp khắc phục các hạn chế về thời gian làm việc của cơ quan Hải quan với ngân hàng hoặc Kho bạc để nộp tiền thuế, theo quy định, người khai hải quan có thể đăng ký chính thức tờ khai hải quan trước 15 trước khi hàng đến, DN có thể chủ động nộp tiền theo khai báo qua ngân hàng phối hợp thu, Kho bạc Nhà nước trong giờ làm việc hoặc trước ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.

DN có thể đề nghị ngân hàng làm thủ tục bảo lãnh chung, chủ động khai báo làm thủ tục hải quan bất kỳ thời gian nào trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết, đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa ngay sau khi cơ quan Hải quan kết thúc việc kiểm tra thủ tục hải quan.

Có thể nói, công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại, cùng những quy định thuận lợi mà chặt chẽ tại Thông tư 126 chính là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, mang tính đột phá của công tác thu NSNN qua đó, quản lý chặt chẽ, huy động kịp thời và hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - ngân sách và xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính; ý thức của người dân trong thực hiện đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt.