Thống nhất đầu mối kiểm soát chi qua hệ thống KBNN:

Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước

PV.

Sau một thời gian triển khai thí điểm Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi NSNN với KBNN.

Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh chủ trì Họp báo Chuyên đề triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN.
Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh chủ trì Họp báo Chuyên đề triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN.

Thông tin trên vừa được ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho biết tại buổi Họp báo Chuyên đề triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN (gọi chung là Đề án) diễn ra chiều 29/9/2017.

Chuẩn bị kỹ lưỡng các bước triển khai Đề án

Theo ông Hiệp, Đề án đã được KBNN bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2015 và đưa ra thảo luận dự thảo Đề án lần thứ nhất tại Hội nghị giao ban Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố năm 2015 tổ chức tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh nhằm tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện dự thảo.

Đề án được KBNN tổ chức lấy ý kiến tham gia của KBNN các tỉnh, thành phố bằng văn bản để thống nhất về chủ trương, mục tiêu và yêu cầu xây dựng của Đề án, cũng như phương án mà Đề án đã đưa ra.

Bên cạnh đó, KBNN cũng tổ chức hội thảo lần thứ hai để lấy ý kiến trực tiếp các Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố trước khi triển khai thí điểm Đề án. Tại hội thảo có sự tham gia của các kế toán trưởng và trưởng phòng kiểm soát chi của 63 KBNN tỉnh, thành phố và đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tài chính cùng tham dự.

Cùng với đó, KBNN đã tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính như Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia, đóng góp tại các hội nghị và ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, KBNN đã hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ phê duyệt và đã được Bộ Tài chính chấp thuận tại Tờ trình Bộ số 107/TTr-KBNN ngày 24/4/2017.

Căn cứ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ Tài chính, KBNN đã triển khai thí điểm Đề án từ ngày 01/5/2017 tại KBNN Thừa Thiên Huế và KBNN Phú Thọ nhằm đánh giá hiệu quả, tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án, chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai diện rộng của Đề án trong phạm vi toàn quốc theo lộ trình kế hoạch đã đề ra.

Ngày 10/7/2017, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành Quyết định số 3219/QĐ-KBNN về việc phê duyệt Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN”, đồng thời hoàn thiện và ban hành Quy trình nghiệp vụ thống nhất kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo Quyết định số 4377/QĐ-KBNN ngày 15/9/2017 của Tổng Giám đốc KBNN.

Xử lý hồ sơ, chứng từ nhanh chóng, kịp thời

Đánh giá những kết quả đạt được khi triển khai thí điểm Đề án, ông Vũ Đức Hiệp cho biết, sau một thời gian triển khai thí điểm Đề án và triển khai trước tại một số đơn vị KBNN đã mang lại những lợi ích thiết thực đối với các đơn vị sử dụng NSNN, các khách hàng đến giao dịch tại các đơn vị trong hệ thống KBNN.

Về phía khách hàng đến giao dịch tại các đơn vị KBNN đã rất đồng tình, ủng hộ việc triển khai đề án của KBNN. Có được kết quả này là do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tại đơn vị được thí điểm nên khách hàng không bất ngờ và cảm thấy hài lòng về chủ trương thống nhất đầu mối kiểm soát chi của KBNN.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi NSNN với KBNN.

Các đơn vị, khách hàng chỉ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN nơi đơn vị mở tài khoản (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên) theo đúng quy định: “một cửa, một giao dịch viên”; đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức kiểm soát chi đó khi nộp hồ sơ.

Lợi ích nổi bật nữa mà Đề án mang lại là việc luân chuyển chứng từ chi NSNN trong nội bộ KBNN (giữa kiểm soát chi và kế toán) được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống TABMIS, nên có sự kiểm soát, giám sát của Lãnh đạo đơn vị KBNN, đảm bảo việc xử lý hồ sơ, chứng từ được nhanh, kịp thời; nhiều khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, chi bằng tiền mặt... theo đề nghị của đơn vị đã được xử lý ngay trong ngày.

Bên cạnh các lợi ích nêu trên, Đề án còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hệ thống KBNN. Đó là, các hoạt động giao dịch từ KBNN tỉnh đến KBNN huyện đã nhanh chóng ổn định, thông suốt. Việc tổ chức công tác kiểm soát chi, hạch toán kế toán được diễn ra bình thường, đảm bảo các bước đúng như trong quy trình của Đề án; mọi giao dịch với khách hàng, tiếp nhận chứng từ hồ sơ kiểm soát chi thường xuyên và đầu tư thuộc NSNN được cán bộ kiểm soát chi thực hiện một cách đầy đủ theo đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện, không có trở ngại nào đối với khách hàng. Việc đối chiếu số liệu, phân loại, sắp xếp chứng từ đảm bảo chính xác, hoàn thành trong ngày.

Đề án còn tạo thuận lợi cho khách hàng, đơn vị sử dụng NSNN; đồng thời là cơ sở thuận lợi cho KBNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi bằng cách giảm bớt và lồng ghép một số hồ sơ, chứng từ có cùng chỉ tiêu về chi thường xuyên và chi đầu tư thành một chứng từ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ.

Thông qua triển khai Đề án tạo tiền đề thuận lợi để KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2017, tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử theo đúng tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN.

Ngoài ra, khi thực hiện Đề án tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện được tinh gọn hơn, không còn đơn vị cấp Tổ trong cơ cấu tổ chức tại KBNN cấp huyện và sẽ giảm khoảng hơn 1.300 đơn vị cấp Tổ, góp phần từng bước giảm dần số biên chế hiện có theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính.