Tạo hành lang mở cho hàng hóa kiểm tra chuyên ngành

Theo daibieunhandan.vn

Hoạt động quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành hiện tồn tại nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong thực hiện thông quan hàng hóa. Vấn đề này kỳ vọng sẽ được giải quyết thông qua Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đang được Tổng cục Hải quan xây dựng và hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng khu vực I, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành so với tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2014 là 42,2% và trong 6 tháng đầu năm 2015 là 44,56%, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng các lô hàng phải kiểm dịch năm 2014 chiếm 73,25% và 6 tháng đầu năm nay chiếm 69,6%. Đối với đường hàng không, theo Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tỷ lệ các lô hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành là 30 - 35% tổng số lô hàng xuất, nhập khẩu. Con số này của 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh, bằng 78% đối với hàng xuất khẩu, 80% đối với hàng nhập khẩu so với cả năm 2014. Còn theo báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I, số lượng hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại Chi cục năm 2014 là 34.563 hồ sơ, nhưng con số này của 7 tháng qua đã lên tới 21.959 hồ sơ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Song, đến nay, thực trạng quản lý hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Ở góc độ chịu sự quản lý, các doanh nghiệp cho rằng, có quá nhiều văn bản quy định về hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Nhiều quy định còn tản mạn, thiếu rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, áp dụng không thống nhất; một số quy định còn chồng chéo gây lúng túng khi thực hiện thủ tục thông quan. Thậm chí, không ít quy định còn thay đổi thường xuyên, làm cho doanh nghiệp lúng túng khi triển khai. Hơn nữa, nhiều hàng hóa còn chịu sự quản lý, cấp giấy phép, kiểm tra, cấp chứng thư của 2 - 3 cơ quan thuộc cùng một bộ hoặc 2 - 3 bộ cùng quản lý như: chè, cà phê, dầu cá... Có những ngành sản xuất mà hầu hết các mặt hàng xuất, nhập khẩu đều thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó, 2/3 các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của từ 2 cơ quan trở lên. Điều này tạo gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện thông quan hàng hóa.

Thẳng thắn thừa nhận, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan Ngô Minh Hải cho biết, hiện có đến 259 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành; trên 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa. Tuy hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chưa phù hợp với thay đổi của thực tiễn và thông lệ của quốc tế. Một số lĩnh vực quản lý chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, còn tình trạng áp dụng nhiều chính sách quản lý cho một mặt hàng hoặc một mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan. Bên cạnh đó, lực lượng triển khai hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn mỏng; phương tiện còn thiếu, hiệu quả thấp, làm cho việc trao đổi thông tin và phối hợp khi kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế.

Gỡ nút thắt cho hàng hóa kiểm tra chuyên ngành

Để khắc phục những vướng mắc trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Theo đó, hàng kiểm tra chuyên ngành sẽ được xác định cụ thể những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành Nhà nước cần quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi nhập khẩu. Ngoài ra, còn xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, hoặc do cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu thực hiện. Đồng thời, sẽ tiến hành áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, phân tích thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận kết quả lẫn nhau để giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, 4 nhóm giải pháp cũng đã được đề xuất để thực hiện hiệu quả đề án này, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đổi mới về phương pháp, cách thức kiểm tra chuyên ngành; tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Tin rằng, khi triển khai trên thực tiễn, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu thông qua thực hiện các thủ tục kiểm tra nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Từ đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả đúng quy định pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Trung tâm Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng hàng hóa 3 (Quatest 3) cho biết, hiện nay, thời gian hoàn thành kiểm tra chất lượng chuyên ngành đối với lô hàng nhập khẩu là khoảng 13 ngày kể từ ngày đăng ký kiểm tra.