Tạo sự đồng bộ về quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính

PV. (Tổng hợp)

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính. Nghị định mới sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng chữ ký số, chuyển chứng từ giấy sang chứng từ điện tử, hủy hiệu lực, tiêu hủy chứng từ điện tử…trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, hoạt động dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

Nghị định 27/2007/NĐ-CP ra đời song song với nghị định chứng thực chữ ký số, giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng… Tuy nhiên, Nghị định 27/2007/NĐ-CP đã ban hành hơn 10 năm. Cho đến nay, phần lớn quy định của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.

Thời gian qua, hệ thống chính sách đối với lĩnh vực này cũng từng bước được đồng bộ. Ngày 21/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP, giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính, đồng thời bãi bỏ các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng để phù hợp với Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, Nghị định 156/2016/NĐ-CP mới chỉ giải quyết một phần các vấn đề cần xử lý.

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, hiện nay, giao dịch điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian. Đồng thời, giảm nhũng nhiễu phiền hà cho doanh nghiệp  khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ phụ trách, mặt khác giao dịch điện tử hiện nay đang là một xu thế. Về phía Nhà nước, sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn lực, giải quyết công việc hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn với sự liên kết về mặt thông tin.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thách thức trong ứng dụng công nghệ thông tin, tài chính là sự chuyển động thiếu đồng đều giữa các cơ quan. Chẳng hạn như một mặt khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử nhưng các cơ quan như công an, quản lý thị trường, biên phòng… thì mức độ thay đổi còn hạn chế.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng, hiện nay, giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính vẫn còn quá máy móc theo tư duy hành chính giấy tờ truyền thống, điều này không còn phù hợp với xu thế cũng như cách thức giao dịch điện tử hiện nay. 

Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP sẽ khắc phục các hạn chế của Nghị định và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.