Thành phố Hồ Chí Minh quản lý chặt các dự án công

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng vừa ký Quyết định số 1688/UBND-TM về việc tăng cường công tác quản lý nợ công và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công trên địa bàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy định chưa thống nhất

Trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Nguồn vốn vay (thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng kho bạc nhà nước, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ...) là một trong những nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng của thành phố.

Từ nguồn vốn vay này, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng khang trang, hiện đại hơn, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Việc huy động vốn cho đầu tư phát triển của thành phố đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn.

Hàng năm, thành phố đều chủ động bố trí kế hoạch ngân sách để trả nợ đầy đủ, đúng hạn, theo dõi chặt chẽ các khoản nợ phát sinh, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, do quy định về phân cấp quản lý, việc theo dõi các khoản nợ trong nước và nợ nước ngoài hiện còn rời rạc, chưa thống nhất đầu mối chung, dẫn đến công tác tổng hợp, tham mưu quản lý còn nhiều khó khăn.

Chỉ sử dụng vốn vay cho đầu tư phát triển

Triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,UBNDTp. Hồ Chí Minh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, tổng giám đốc, giám đốc các tổng công ty, công ty nhà nước thuộc thành phố tập trung thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép; Chủ động bố trí nguồn vốn để đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.

Thứ hai, từ năm 2015, tất cả các khoản vay mới của ngân sách thành phố, chủ dự án và doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công đều phải đăng ký với Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát thực hiện các chỉ tiêu giới hạn nợ công, nợ chính phủ và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên nguyên tắc xác định rõ cơ chế tài chính (cấp phát, cho vay lại) trước khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư và đảm bảo trong giới hạn cho phép.

UBND thành phố yêu cầucác chủ dự án, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, tổ chức tốt việc thực hiện dự án, nhất là khâu chuẩn bị, giải phóng mặt bằng, thẩm định, quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự án công trình, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả công trình.

Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian hoàn vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm thiểu chi phí vay.

Ngoài ra, UBND thành phố yêu cầu không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, hợp đồng sử dụng nguồn vốn vay công. Trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định thì cơ quan ra quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, hợp đồng phải đảm bảo cân đối đủ vốn đối ứng trong dự toán được giao để thực hiện.

Đặc biệt, các đơn vị có trách nhiệm báo cáo và đăng ký kế hoạch trả nợ (bao gồm nợ gốc, nợ lãi và các loại phí) hàng năm để Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính có cơ sở cân đối, trình UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn để trả nợ.

Đối với các khoản tự vay tự trả, các chủ dự án, các doanh nghiệp phải đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn; bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu theo quy định; kiềm chế gia tăng nợ xấu, hạn chế tối đa phát sinh nợ quá hạn, đảm bảo thực hiện theo đúng các cam kết.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố, các chủ dự án và cơ quan liên quan:Xây dựngquy chế quản lý nợ chính quyền địa phương (bao gồm khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ), trình UBND thành phố trong quý II năm 2015.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng vốn vay của các chủ dự án, các doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Kịp thời báo cáo UBNDthành phố xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí./.