Thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro trong hệ thống Kho bạc Nhà nước

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 170 (8/2016)

Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong hệ thống Kho bạc Nhà nước những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc, cả trong xây dựng lực lượng và trong nghiên cứu hoàn thiệt kỹ năng nghiệp vụ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã khẳng định vai trò, vị thế trong tổng thể hoạt động Kho bạc Nhà nước, đóng góp tích cực vào kết quả và sự phát triển chung của ngành Kho bạc Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong nội bộ hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), hoạt động thanh tra, kiểm tra tập trung vào kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ trong quản lý, điều hành và thực hành tác nghiệp trong toàn hệ thống. Thông qua thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, đã phát hiện các sai sót, gian lận và vi phạm (gọi chung là vi phạm) phát sinh trong thực tiễn tác nghiệp để khắc phục và phòng tránh rủi ro có kết quả. 

Kết quả thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra nội ngành góp phần quan trọng vào việc củng cố kỷ cương kỷ luật trong các đơn vị KBNN, đảm bảo sự đúng đắn, minh bạch trong hoạt động nghiệp vụ KBNN.

Kết quả của hoạt động thanh tra kiểm tra KBNN kể cả thanh kiểm tra nội ngành và thanh tra chuyên ngành không chỉ hình thành tiền đề cơ bản: Mô tả, liệt kê các vi phạm (thành phần quan trọng của rủi ro) và căn cứ pháp lý để khắc phục, mà thực tế cho thấy hoạt động thanh kiểm tra đang đóng vai trò lõi (core) của hệ thống quản lý rủi ro. Điều này có tính phổ biến với mọi hệ thống chứ không riêng KBNN.

Tuy nhiên, quản lý rủi ro là một quá trình rộng hơn, phức tạp hơn thanh tra, kiểm tra mặc dù hai nội dung này có quan hệ gắn kết hữu cơ, giao thoa chồng lấn, tác động qua lại.

Khái quát về rủi ro và quản lý rủi ro

Rủi ro có thể hiểu chung là sự không may mắn, tổn thất, mất mát, nguy hiểm đối với tổ chức. Rủi ro cũng có thể là những điều bất trắc ngoài mong muốn. Rủi ro một mặt gây ra thiệt hại, tổn thất nhưng nó cũng có thể đem lại cơ hội, lợi ích. Có nhiều tiêu thức để phân loại rủi ro: Rủi ro tĩnh và rủi ro động, rủi ro cơ bản và rủi ro riêng biệt, rủi ro thuần túy và rủi ro đầu cơ, rủi ro hoạt động và rủi ro thông tin...

Rủi ro có thể xuất hiện ở bất kỳ lĩnh vực nghiệp vụ nào trong hoạt động của mỗi đơn vị KBNN, ở bất kỳ khâu nào trong mọi quy trình hoạt động, bất kỳ thời điểm nào. Một công chức chưa nắm chắc nghiệp vụ, kỹ năng hay có động cơ muốn vụ lợi, một lãnh đạo không có đủ thông tin khi ra quyết định, ngại khó, ngại cải tiến, đổi mới, áp lực của chỉ tiêu, cấp trên và khách hàng... đều có thể dẫn tới rủi ro.

Quản lý rủi ro là các quá trình nhận dạng, phân tích, đo lường, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro. Nhận dạng rủi ro là hoạt động  mô tả rủi ro: Đối tượng rủi ro, diễn biến, nguyên nhân, tổn thất, thiệt hại. Phân tích là quá trình xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh của rủi ro. Hoạt động đo lường rủi ro hướng tới việc thống kê tần suất phát sinh của rủi ro và mức độ nghiêm trọng của rủi ro. Phân tích và đo lường cung cấp những dữ liệu chính cho khắc phục và phòng ngừa rủi ro.

Kiểm soát rủi ro là quá trình sử dụng các biện pháp, công cụ, hành động để phòng tránh rủi ro phát sinh. Ban hành khung quản lý rủi ro trước đây và định kỳ thông báo các sai sót phát hiện qua thanh tra, kiểm tra cũng là các biện pháp quản lý rủi ro. Phòng tránh rủi ro có thể thực hiện bằng nhiều giải pháp như phòng tránh, hạn chế tổn thất, phân tán rủi ro, dự phòng tổn thất...

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, thường đề cập nhiều đến vi phạm. Xét về tác động tiêu cực của vi phạm đối với tổ chức thì chắc chắn vi phạm  là rủi ro  tuy nhiên rủi ro còn bao gồm nhiều yếu tố khác có thể ảnh hoặc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của tổ chức. Nếu phân loại thì vi phạm thuộc rủi ro tĩnh.

Quản lý rủi ro là quá trình nhận diện, phân tích và kiểm soát rủi ro. Nhận diện rủi ro là việc chúng ta xác định rủi ro từ đối tượng, nguồn gốc, mức độ ảnh hưởng (tổn thất và tính chất). Hoạt động phân tích rủi ro tập trung vào việc nghiên cứu xác định nguyên nhân, điều kiện và tần suất phát sinh của rủi ro.

Kiểm soát rủi ro là các hoạt động nhằm phòng tránh rủi ro, hạn chế sự phát sinh thu hẹp hoặc giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro nếu phát sinh, khai thác hiệu quả các cơ hội mà rủi ro mang lại (nếu có).

Dự báo rủi ro là việc nhận diện các rủi ro sẽ xảy ra, có thể xảy ra, sắp xảy ra trong những điều kiện nhất định. Dự báo rủi ro là một công việc khoa học được thực hiện trên cơ sở phân tích các dữ kiện, các báo cáo... Dự báo rủi ro đề cập đến các rủi ro chưa phát sinh, chưa được nhận diện. Thường có sự nhầm lẫn giữa dự báo rủi ro và phòng tránh rủi ro (dự kiến việc phát sinh các rủi ro đã được nhận diện để khống chế và né tránh).

Phòng ngừa rủi ro là các hoạt động nhằm loại bỏ điều kiện phát sinh của rủi ro. Để phòng ngừa có hiệu quả cần xác định đúng nguyên nhân và điều kiện phát sinh của rủi ro. Mặc dù hầu hết tổn thất là do vi phạm nhưng vẫn có những tổn thất xuất phát từ cơ chế chính sách quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Hoạt động thanh tra - kiểm tra và quản lý rủi ro trong hệ thống Kho bạc Nhà nước

Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong hệ thống KBNN với mục tiêu giám sát việc tuân thủ không chỉ các quy định, quy trình về nghiệp vụ, nội vụ mà cả trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KBNN và chương trình công tác hằng năm của từng đơn vị KBNN, giám sát hoạt động đảm bảo an toàn ngân quỹ, an ninh tác nghiệp kể cả an ninh của hệ thống tin học KBNN không thể tách rời nếu không nói phải là cái lõi (core) của hoạt động quản lý rủi ro trong công tác KBNN.

Kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong hệ thống KBNN đóng vai trò chủ đạo trong quản lý rủi ro nhất là các rủi ro tĩnh. Đối với các rủi ro động – rủi ro do thay đổi chính sách, phương thức, mô hình hoạt động, hoạt động thanh kiểm tra cũng cung cấp nhiều dữ liệu, tiền đề để phân tích, đánh giá, dự báo cho hoạt động quản lý rủi ro. 

Ở góc độ nhận diện rủi ro, từ kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, từ kiểm tra toàn diện đến kiểm tra chuyên đề, từ kiểm tra định ký tới kiểm tra đột xuất, các sai sót, gian lận, vi phạm được liệt kê, phân tích, mô tả, hình thành phần cơ bản trong hoạt động nhận diện rủi ro trong lĩnh vực KBNN.

Gần 27 năm hoạt động KBNN (01/4/1990) là từng ấy năm hoạt động thanh tra, kiểm tra  đảm bảo tuân thủ, đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động KBNN trên phạm vi toàn quốc. Rất nhiều sai sót, gian lận, vi phạm ở tất cả các khâu trong hoạt động KBNN từ nội vụ tới nghiệp vụ, từ thực hành tác nghiệp tới quản lý điều hành đã được phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục.

Việc mô tả các vi phạm từ kết quả thanh tra, kiểm tra được hoàn thiện dần qua các năm, nhất là đối tượng, diễn biến, tính chất và tổn thất gây ra. Việc mô tả này được thực hiện qua các báo cáo chuyên sâu của Vụ, Phòng Thanh tra - Kiểm tra góp phần quan trọng trong việc phòng tránh rủi ro ở các đơn vị KBNN.

Một vài KBNN địa phương cùng với mô tả đã triển khai quá trình định danh rủi ro đã phát hiện thông qua phân loại, mã số. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng việc định danh rủi ro cho phép ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý rủi ro và mở ra nhiều công cụ quản lý rủi ro hiệu quả hơn.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong quá trình nhận diện rủi ro trong lĩnh vực KBNN. Các vi phạm hầu hết được mô tả về diễn biến nhưng chưa đề cập hoặc đề cập sơ sài đến nguyên nhân và điều kiện phát sinh và vì vậy hoạt động quản lý rủi ro tập trung vào tránh là chính chứ chưa làm được việc phòng ngừa với ý nghĩa loại bỏ nguyên nhân của rủi ro.

Xin dẫn một ví dụ rất phổ biến là lỗi bàn phím: Khi tác nghiệp trên máy tính ai cũng có hơn một lần gõ nhầm, khi gõ nhầm mà không kiểm được thì thành sai sót, sai sót này là phổ biến và khi phát hiện ra thì chúng ta sửa chữa nhưng chúng ta gần như không quan tâm tới nguyên nhân dẫn tới lỗi bàn phím thậm chí có người còn cho rằng lỗi bàn phím là đương nhiên (!).

Bên cạnh đó các phát hiện qua thanh tra kiểm tra đều là các rủi ro tĩnh, ít và gần như không có các rủi ro động. Ví dụ như rủi ro của KBNN trong phối hợp thu với các ngân hàng thương mại là gì? Phải chăng là những thiếu sót trong phục vụ người nộp thuế của ngân hàng thương mại có một phần trách nhiệm của KBNN – nơi ủy thác thu, phức tạp hơn có thể là khách hàng nộp thuế quay về nộp tại KBNN.

Thông qua hoạt động thanh tra - kiểm tra, việc nhận diện rủi ro đã có những kết quả bước đầu nhưng rất căn bản và quan trọng. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro thì còn rất nhiều việc phải làm, từ việc xây dựng hệ thống dữ liệu về rủi ro đến khai thác các công cụ về kiểm soát, phòng tránh rủi ro.

Muốn kiểm soát rủi ro phải nắm được quy luật phát sinh, phát triển của rủi ro, nói rõ ra là phải phân tích rủi ro, chỉ rõ nguyên nhân, phân tích mức độ ảnh hưởng tới lợi ích của tổ chức, tần suất xuất hiện theo thời gian và không gian.

Chúng ta đã ban hành  khung quản lý rủi ro, đó là một thành quả đáng trân trọng trong hoạt động kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực KBNN. Chúng ta đã định kỳ thông báo các sai sót, gian lận và vi phạm phát hiện, điều này đặc biệt hữu ích trong phòng tránh rủi ro. Vậy câu hỏi là tại sao vẫn phát sinh nhiều sai sót? Bao nhiêu sai sót phát sinh là tái phạm? Có biện pháp quản lý nào có thể hạn chế được sai sót?

Một nguyên nhân là Biên bản và kết luận thanh tra, kiểm tra thường tập trung và phát hiện, xác định sai sót, gian lận và vi phạm chưa đề cập đầy đủ đến nguyên nhân, điều kiện phát sinh, trách nhiệm cá nhân và tính chất tái phạm để có giải pháp phòng tránh chủ yếu thực hiện hậu kiểm thông qua hoạt động thanh tra kiểm tra. Hệ thống công cụ, giải pháp, biện pháp trong kiểm soát rủi ro cũng còn hạn chế.

Dự báo rủi ro là việc nghiên cứu xác định các rủi ro đối với hoạt động KBNN có thể xảy mà hiện nay chưa xảy ra. Việc dự báo rủi ro thường dựa trên phân tích về diễn biến không mong muốn và ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của hệ thống KBNN khi chúng ta triển khai công việc trong các giai đoạn tiếp theo.

Việc triển khai chiến lược phát triển, kế hoạch công tác và chương trình hành động của toàn hệ thống và từng đơn vị KBNN, cũng như việc cải tiến, thay đổi các mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đưa hệ thống KBNN phát triển theo hướng văn minh, chuyên nghệp và hiện đại đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ hiện đại nhưng cũng hình thành nhiều thách thức nói chung và rủi ro đối với hệ thống KBNN.

Việc dự báo các rủi ro này để kiểm soát phòng ngừa trong tương lai gần là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn ngân quỹ, an ninh tác nghiệp. Ví dụ như khi chúng ta triển khai cơ chế “tiền thanh hậu kiểm” trong kiểm soát chi, bên cạnh việc tăng nhanh tốc độ giải ngân cũng phải thấy được rủi ro khi giải ngân theo đề nghị của khách hàng mà số tiền đó có thể cao hơn giá trị được chấp nhận thanh toán.

Khi triển khai phối hợp thu theo cơ chế mới, việc chọn ngân hàng phối hợp thu thuộc thẩm quyền của cơ quan Thuế, Hải quan, như vậy nếu kết nối có lỗi, xử lý có sai sót, chứng từ về chậm sẽ rất khó cho KBNN…

Nếu phòng ngừa hướng tới việc triệt tiêu các điều kiện phát sinh của rủi ro thì khắc phục nhằm loại bỏ nguyên nhân dẫn đến rủi ro. Phòng ngừa hướng tới tương lai, khắc phục xử lý các vấn đề đã tồn tại. Hoạt động thanh tra - kiểm tra của chúng ta làm rất tốt khâu phát hiện nhưng khắc phục chỉ dừng lại ở sửa sai, việc loại bỏ nguyên nhân dẫn đến sai sót còn hạn chế.

Ví dụ như sai sót vượt định mức thời gian khi xử lý hồ sơ kiểm soát chi, không kể đến các trường hợp sai do thiếu trách nhiệm, còn nhiều trường hợp vượt định mức do mật độ giao dịch tăng đột biến, khi đó số lượng hồ sơ phải kiểm soát lớn gấp nhiều lần bình thường nhưng chúng ta vẫn áp một định mức thời gian chung thì khó mà không vi phạm.

Để phòng ngừa rủi ro thì có nhiều công cụ và giải pháp nhưng trước tiên phải là nhận thức của người thực hành tác nghiệp. Mặc dù có những rủi ro do cơ chế và chính sách nhưng hầu hết  thuộc về hành vi, quyết định của con người và cơ chế, chính sách, suy cho cùng cũng là tác phẩm của con người. Phải chăng yêu cầu kiểm soát rủi ro chưa đi vào tâm thức và trở thành ý thức của mọi người từ lãnh đạo cao nhất tới công chức thấp nhất.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra bên cạnh việc thông báo các vi phạm đã phát sinh cũng nên có cảnh báo rủi ro khi triển khai các công việc mới, nghiệp vụ mới, chủ trương mới…

Một số đề xuất

Trên cơ sở kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra trong hệ thống KBNN, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp để nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra như sau:

Xây dựng Từ điển rủi ro chuyên ngành trên cơ sở sai sót phát hiện và sai sót dự báo; kiện toàn mô hình quản lý rủi ro và cụ thể hóa trong hoạt động thanh tra - kiểm tra; xác lập công cụ quản lý rủi ro phù hợp với thực tiễn KBNN; phân cấp, phân công quản lý rủi ro trong hệ thống KBNN; chống tái phạm; nhất thể hóa hệ thống quản lý hành chính và hệ thống quản lý chất lượng ở từng đơn vị KBNN; tổ chức hành động khắc phục và phòng ngừa.

Quản lý rủi ro là yêu cầu tất yếu cũng là một phần hữu cơ trong hoạt động quản lý của mọi tổ chức trong xu thế quản lý hiện đại. Hoạt động KBNN  là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và trọng yếu.

Hệ thống KBNN là một hệ thống lớn vì vậy yêu cầu về quản lý rủi ro là tất yếu. cùng với hoạt động của người đứng đầu các đơn vị trong hệ thống thì hoạt động thanh tra - kiểm tra phải là nòng cốt trong quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro phải trở thành ý thức và hiện hữu trong mọi công đoạn, mọi quy trình tác nghiệp của mọi công chức.

Phòng tránh được rủi ro nói chung và gian lận sai sót nói riêng không chỉ đảm bảo an toàn ngân quỹ mà cao hơn đó là việc thực hiện đầy đủ chức năng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.