Thanh tra ngành Tài chính: Trọng tâm, kịp thời, hiệu quả

PV.

Tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả thanh tra, kiểm tra quý III và 9 tháng đầu năm 2017, chiều ngày 13/10/2017, Bộ Tài chính cho biết, trong quý III và 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra ngành Tài chính đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.

Ông Trần Huy Trường – Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại họp báo.
Ông Trần Huy Trường – Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại họp báo.

Thu nộp ngân sách hơn 4.275 tỷ đồng trong 9 tháng

Thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Huy Trường – Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong quý III/2017, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 35.355 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 165.557 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 4.184 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu.

Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 5.777 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện và kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 5.188 tỷ đồng, kiến nghị khác 589.607 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.126 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN hơn 4.275 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 13.608.274 triệu đồng. Trong đó, phát hiện và kiến nghị thu hồi hơn 12.470 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 1.137 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2.225 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN hơn 8.928 tỷ đồng.

Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, thông qua công tác thanh tra, Thanh tra ngành Tài chính đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...

Thanh tra ngành Tài chính cũng đã kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Tại buổi họp báo, đại điện Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã trao đổi, làm rõ thêm về công tác thanh tra, kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý thuộc ngành Tài chính.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ông Trường cho biết, Bộ Tài chính tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trong tâm, cụ thể:

Một là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt; Bố trí lực lượng dự phòng khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra; Chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra.

Hai là, khẩn trương ban hành kết luận đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc, đảm bảo đúng thời hạn quy định; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện chưa triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Ba là, phối hợp, trao đổi thông tin, với các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế (hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế...), hải quan và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan.

Năm là, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy trình thanh tra, kiểm tra, sổ tay nghiệp vụ trong nội bộ ngành Tài chính làm cơ sở và tài liệu phục vụ đào tạo và áp dụng thống nhất trong hoạt động thanh tra ngành Tài chính.

Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.