Thanh tra Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngay từ những ngày đầu, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng với việc xây dựng một nền tài chính cách mạng non trẻ; Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác tổ chức và hoạt động Thanh tra Tài chính. Ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC, cử ông Lê Trần Đức làm Tổng Thanh tra Tài chính và ngày này đã trở thành ngày Truyền thống của Thanh tra Tài chính Việt Nam.

Thanh tra Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng báo cáo về nội dung phòng chống tham nhũng của ngành Tài chính. Nguồn: mof.gov.vn

Trải qua 69 năm (20/11/1945 - 20/11/2014) xây dựng và trưởng thành,  cùng với sự phát triển của ngành Tài chính, Thanh tra Tài chính đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Tổ chức Thanh tra Tài chính luôn luôn được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng; hoạt động thanh tra luôn gắn liền với sự vận động phát triển của nền tài chính nước nhà, góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và nhân dân. Các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra Tài chính luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị; đóng góp quan trọng trong bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách và làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm qua, trong điều kiện kinh tế xã hội trong nước và thế giới  gặp phải nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến phức tạp; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tài chính. Hoạt động thanh tra luôn được tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm. Kết quả hoạt động thanh tra tài chính trong thời gian qua đã ngày càng được nâng cao về chất lượng; hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra vì thế cũng ngày càng lan tỏa rộng đến các thành phần kinh tế xã hội, từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, của ngành.

Năm 2014, nhân kỷ niệm lần thứ  69 và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Thanh tra tài chính Việt nam(20/11/1945 - 20/11/2015), ngay từ đầu năm Thanh tra Tài chính đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, tạo không khí sôi nổi, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong 10 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Tài chính đã triển khai 43.071 cuộc thanh tra, kiểm tra. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước; việc quản lý nợ công, quản lý vốn ODA; việc chấp hành các quy định về giá; chuyển giá của doanh nghiệp; công tác hoàn thuế GTGT; việc chấp hành các quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm... Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 15.780, 3 tỷ đồng, trong đó:

Thanh tra Bộ Tài chính: đã triển khai 25 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực nóng, nhậy cảm, được dư luận quan tâm, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ, điển hình như:

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá tại tại một số  doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi, đã phân tích, đánh giá đầy đủ về các yếu tố, và cơ cấu hình thành giá; xác định chính xác giá thành và thu nhập thực tế tại từng doanh nghiệp chỉ ra những yếu tố bất hợp lý, những nguyên nhân chủ yếu làm tăng giá trên thị trường theo từng danh mục mặt hàng sữa. Qua đó đã đề xuất với Bộ Tài chính kiến nghị và được Chính phủ ra chủ trương, phương án áp trần giá sữa nhằm bình ổn thị trường.

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ công và công tác quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ đã đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình nợ công; hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng thu hồi vốn để trả nợ của các dự án lớn…, kịp thời báo cáo Bộ để báo cáo Thủ tướng chính phủ, trong đó đề xuất sửa đổi một số cơ chế chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, quản lý chặt chẽ và sử dụng quả đối với các khoản nợ công và nợ chính phủ.

Kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại 24 Công ty mẹ của 21 Tổng công ty nhà nước và rà soát tại 12 Tổng công ty có hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp FDI từ 2011 đến 2013, thấy: Các doanh nghiệp đã tự ý sử dụng nguồn sai mục đích gần 600 tỷ đồng hoặc có phương án sử dụng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt với số tiền là hơn 2.242 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đầu tư vốn vào doanh nghiệp FDI với số lợi nhuận của doanh nghiệp lên tới gần 7000 tỷ đồng, nhưng không rút được lợi nhuận về, do bất cập trong cơ chế chính sách. Từ đó kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp...

Tổng hợp kết quả từ 32 cuộc thanh tra đã lưu hành kết luận thanh tra, ngoài những phát hiện kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.515,72 tỷ đồng  và 6.241.443 USD (trong đó: tăng thu NSNN: 830,41 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi NS: 615,61 tỷ đồng, xử lý tài chính khác  69,70 tỷ đồng).

Tổng cục Thuế: đã thanh tra, kiểm tra tại 39.637 doanh nghiệp và kiểm tra 1.167.244 hồ sơ khai thuế. Nội dung thanh tra tập trung vào việc kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng; thanh tra chống chuyển giá tại các doanh nghiệp. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.440,06 tỷ đồng, số thuế đã nộp ngân sách nhà nước là 5.278,05 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện 1.274 cuộc kiểm tra nội bộ tại 1.447 đơn vị; kiến nghị thu hồi 8.482 triệu đồng, xử lý 117 trường hợp có hành vi vi phạm.

Tổng cục Hải quan: đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với hoạt động kinh doanh nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài, loại hình ưu đãi đầu tư; hàng xuất nhập khẩu là thuốc tân dược và thiết bị y tế...Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị truy thu 9.496 triệu đồng.

Kho bạc Nhà nước: đã tổ chức thực hiện 1.821 cuộc kiểm tra về công tác an toàn kho quỹ và việc thực hiện các quy định về pháp luật thanh tra tại các đơn vị trực thuộc bao gồm Văn phòng KBNN các tỉnh, thành phố, các huyện, quận trực thuộc. Qua kiểm tra phát hiện một số đơn vị, cá nhân còn sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại phát sinh để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước: đã thực hiện 70 cuộc kiểm tra, tập trung vào công tác quản lý tài chính, kế toán tài sản Nhà nước, công tác đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, công tác nhập, xuất bán lương thực tại các Chi cục, đặc biệt kiểm tra việc xuất gạo cấp cứu đói cho đồng bào dân tộc miền núi trong dịp tết và cứu đói giáp hạt; kiểm tra việc cấp phát gạo cho các em học sinh; kiểm tra về chất lượng và công tác bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia. Qua đó, đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các đơn vị hoàn thiện tốt hơn công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong hệ thống.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: đã triển khai 09 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 15 đoàn kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu như: vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin; bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vi phạm về bộ phận kiểm soát nội bộ; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1.507, triệu đồng.

Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm: đã tổ chức triển khai 03 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Qua thanh tra đã kiến nghị kiến nghị thu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số thuế thu nhập doanh nghiệp 3.072 triệu đồng.

Có thể nói, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra 10 tháng đầu năm 2014 của toàn tài chính đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, qua thanh tra phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp; có nhiều những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Hiện nay tình hình kinh tế xã hội đang có những chuyển biến tích cực; kinh tế đất nước đang trên đà hồi phục, phát triển và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiếu bền vững; tình trạng tham nhũng, lãng phí và sử dụng các nguồn lực tài chính kém hiệu quả còn diễn phức tạp, đòi hỏi công tác thanh tra tài chính cần tiếp tục được chú trọng, tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI  và kế hoạch 5 năm ( 2011 - 2015), hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thanh tra Tài chính (20/11/1945 - 20/11/2015), Thanh tra toàn ngành Tài chính tích cực thi đua, phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo, kỷ cương kỷ luật để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.  Kế hoạch thanh tra tài chính năm 2015 cần chủ động, linh hoạt, hướng vào những lĩnh vực nhậy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ nẩy sinh tham nhũng, lãng phí và kém hiệu quả, trong đó tập trung vào một số nội dung định hướng như sau:

Tiếp tục thanh tra công tác quản lý và điều hành ngân sách đảm bảo bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, nguồn dự phòng ngân sách, các khoản phí, lệ phí. Rà soát kỹ các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản tại các dự án, công trình sử dụng lớn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA...

Thanh tra, kiểm tra chống gian lận thương mại, chống thất thu, chống chuyển giá và xử lý nợ đọng thuế đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI; chú trọng thanh tra một số lĩnh vực nhậy cảm như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng… Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định. Điều phối công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, các doanh nghiệp lớn tại các địa phương để hạn chế tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp không được thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu của Nhà nước lớn; đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, tình hình vốn của doanh nghiệp, tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ, việc chấp hành chế độ kế toán. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm góp phần công khai, minh bạch thị trường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá cả đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh như: xăng dầu, điện, than….

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy chế và thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong ngành.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ thanh tra; xây dựng văn hóa, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động...

Với truyền thống 69 xây dựng và phát triển của Thanh tra ngành Tài chính, chúng ta luôn hãnh diện và tự hào về những đóng góp quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế, tài chính của đất nước; là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ giao phó. Toàn thể cán bộ, công chức thanh tra trong ngành tài chính nguyện tiếp tục phát huy những truyền thống đã đạt được, để hoàn thành tốt hơn nữa những nhiệm vụ của mình trong những chặng đường phía trước, xứng đáng là “Tai mắt của trên, người bạn của dưới” như lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy./.