Thanh tra việc sử dụng đất của DNNN: Bảo đảm quyền lợi của Nhà nước

Theo baochinhphu.vn

Việc lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề xuất thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Cuối tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4393/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, yêu cầu Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 cơ sở, nhà đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai.

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2014  tới ngày 30/11/2016, cả nước có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và DNNN cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương (nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) khi giao, cho thuê phần đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại doanh nghiệp (DN), xử lý trụ sở làm việc đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nêu việc cổ phần hoá DNNN, nhất là những DN đang được nhà Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại, ở trung tâm thành phố, tuy nhiên việc xác định giá trị DN theo quy định lại không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN để cổ phần hoá (nếu DN trả tiền thuê đất một lần). Theo đó, việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, xác định giá trị đất để thu tiền sử dụng vẫn chưa đầy đủ, chưa sát với giá thị trường và phụ thuộc vào đơn vị tư vấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: “Không ngại việc chuyển mục đích sử dụng đất sau khi DNNN cổ phần hóa vì đã có cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai (sửa đổi). Khi chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa, một là phải bảo đảm quy hoạch của địa phương, hai là nếu chuyển đổi mục đích thì phải nộp tiền sử dụng đất tương ứng.

Vấn đề ở đây là có tính sát giá đất theo thị trường hay không thôi. Ngay cả giá đất của địa phương cũng thấp hơn so với giá thị trường. Ngoài ra, phải xử lý rất cụ thể từng trường hợp cùng với đề cao vai trò quản lý của địa phương”.

Việc lập danh sách các dự án, cơ sở nhà đất có dấu hiệu sai phạm khi chuyển mục đích sử dụng đất không phải là yêu cầu mới. Cách đây 2 năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh coi đây là việc “đại sự” tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

“Pháp luật quy định rõ đất đai sau khi cổ phần hóa phải được thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Khi chuyển đổi thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu làm đúng, làm nghiêm thì không có vấn đề gì phải quá lo lắng. Nhưng trên thực tế có chuyện này, chuyện kia, nếu không làm chặt chẽ sẽ có kẽ hở. Nếu ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Nếu nơi nào thay đổi mục đích sử dụng đất sai quy định của pháp luật thì cần phải chỉ đích danh”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Tiếp nhận công việc của ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhiều lần nhắc tới các kẽ hở của pháp luật trong xử lý đất đai của DNNN cổ phần hóa, cần sớm được khắc phục.

Hồi đầu tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự cuộc làm việc chuyên đề về cổ phần hóa DNNN của Kiểm toán Nhà nước. Tại đây, Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa để bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Do đó, việc mua bán, sáp nhập DNNN gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của DNNN sau cổ phần hóa.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị vốn Nhà nước tăng thêm tại 6 DN được kiểm toán theo phương pháp định giá tài sản là: 4.625,4 tỷ đồng, trong đó có cả giá trị quyền sử dụng đất mà các DN đang nắm giữ.

Để hạn chế các bất cập, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị sửa Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần theo hướng yêu cầu DN xây dựng phương án sử dụng đất trước khi xác định giá trị DN để xác định diện tích cần sử dụng và không sử dụng. Nếu không sử dụng thì DN phải trả về cho địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện sửa đổi Nghị định số  theo hướng áp dụng các phương pháp định giá tài sản linh hoạt để xác định đúng giá trị DNNN, trong đó có giá trị đất đai; quy định về năng lực, thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị tư vấn giá trị DN.

Danh sách các cơ sở, dự án nhà đất mà Bộ Tài chính vừa nêu gồm: Dự án chung cư nhà ở thấp tầng của CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex, toà nhà hỗn hợp của CTCP Heteco Hà Nội, khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan, 1141 Giải Phóng, dự án Pandora 53 Triều Khúc, dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng, dự án Capital Garden 102 Trường Chinh, dự án Hancico 3.7 Hoàng Đạo Thuý (Lê Văn Lương)…

Các công ty có dự án nằm trong danh sách như: Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển TL Sông Nhuệ, Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới, Công ty TNHH MTV Cầu 1 Thăng Long, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5, Công ty cổ phần Địa ốc 11, Công ty cổ phần Thương mại Phú Nhuận, Tổng công ty Bến Thành, Công ty cổ phần Đầu tư TCO Việt Nam, Công ty Phát triển đô thị Đông Dương, Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Tổng công ty Xây dựng số 1…