Thêm "cửa thoáng" cho hoạt động xuất nhập khẩu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ngày 21/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-BTC về việc thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương. Hôm nay (ngày 2/12), chi cục này bắt đầu hoạt động và sẽ chính thức ra mắt vào ngày 12/12.

 Thêm "cửa thoáng" cho hoạt động xuất nhập khẩu
Cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nguồn: internet
Địa lợi

Cảng tổng hợp Bình Dương là một trong những cảng biển quốc tế nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có địa chỉ tại Quốc lộ 1, khu phố Quyết Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (đoạn gần chân cầu Đồng Nai về hướng TP. Hồ Chí Minh). Cảng nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 địa phương: Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh – một vị trí rất thuận lợi về giao thông vận tải bằng đường thủy và đường bộ để nối liền giữa các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, về đường bộ cảng có tuyến đường nối liền với đường vành đai 4 của khu công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương với diện tích gần 4.200 ha, liên kết với nhiều khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Hơn nữa, cảng cách các cửa khẩu và cảng biển của TP. Hồ Chí Minh khoảng từ 20 km – 30 km; cách cảng Cái Mép, Thị Vải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng từ 40 km – 50 km, khi hàng hóa xuất nhập khẩu được làm thủ tục tại cảng Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, giảm được áp lực cho hệ thống các cảng của TP. Hồ Chí Minh.

Về đường thủy, cảng nằm tại ngã 3 sông Sài Gòn – Đồng Nai (là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam bộ), có luồng sông ra vào thông thoáng, ít chịu ảnh hưởng của thủy triều nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Cảng cách cảng Cát Lái và một số cảng khác của TP. Hồ Chí Minh khoảng từ 15km – 20km đường sông nên việc vận chuyển hàng hóa sẽ được nhanh hơn, giảm được tình trạng kẹt xe đường bộ...

Về cơ sở hạ tầng, cảng tổng hợp Bình Dương (đã được Bộ Giao thông - Vận tải công nhận nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam), có thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải lên đến 5000 tấn để xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hàng nội địa.

Dự kiến nhu cầu kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng trong năm 2015 sẽ đạt trên 302 triệu USD, với 301 doanh nghiệp (doanh nghiệp) đăng ký làm thủ tục và năm 2020 là trên 544 triệu USD, với 542 doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Xô - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương, kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết: “Là doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục tại Đội thủ tục hải quan cảng tổng hợp Bình Dương trước đây, chúng tôi đánh giá cao về việc giải đáp vướng mắc, tạo thuận lợi, giải quyết thông quan hàng hóa nhanh chóng. Được biết, đơn vị được nâng cấp lên chi cục và có thể làm thủ tục cho nhiều mặt hàng mới, chúng tôi rất vui mừng trước thông tin này và dự kiến sẽ lên kế hoạch để mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”.

 Luồng sinh khí mới

Cảng tổng hợp Bình Dương hiện có trên 100 doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ năm 2008 đến năm 2012, Đội Hải quan tại đây đã làm thủ tục cho 730 doanh nghiệp, 10.473 tờ khai, 17.378 container hàng hóa; tổng kim ngạch trên 845 triệu USD; thu nộp ngân sách 1.600 tỷ đồng.

Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ gia dụng, gỗ dăm, dầu thực vật tinh chế, gạo, cà phê hạt...; nhập khẩu: hạt nhựa, lúa mì, thép tấm, hóa chất, nguyên liệu sản xuất dầu thực vật, vỏ xe ô tô các loại, máy điều hoà nhiệt độ, gạch ốp lát…

Đề cập về nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng, theo ông Nguyễn Văn Trung - Chi cục trưởng chi cục mới, Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện đang có 28 khu công nghiệp, với tổng diện tích trên 9.000ha và 08 cụm công nghiệp, với diện tích trên 800ha. Do đó, nhu cầu vận chuyển, trao đổi, làm thủ tục chuyển cửa khẩu và xuất nhập khẩu hàng hóa là rất lớn.

Thời gian tới doanh nghiệp sẽ được làm thủ tục xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng mới so với đội thủ tục cảng tổng hợp trước đây (chỉ được làm thủ tục cho hàng hóa được phép chuyển cửa khẩu) thì nay được làm thủ tục cho hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu. doanh nghiệp sẽ được làm thủ tục tại địa điểm gần với nhà máy, cơ sở sản xuất hơn do vậy sẽ giảm chi phí vận chuyển....

“Với cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ công chức thành thạo nghiệp vụ, phương thức khai báo hải quan điện tử thuận lợi, chúng tôi đã sẵn sàng để đón những lô hàng mới đến làm thủ tục và cam kết tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp…”- ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trịnh Chính Sinh - Phó Giám đốc Công ty kinh doanh vận tải biển và đại lý hãng tàu GEMADEPT cho biết: "chúng tôi cam kết hàng về cảng Bình Dương không tăng mức phí cao hơn so với về các cảng khác tại TP. Hồ Chí Minh".

Cảng tổng hợp Bình Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5000 tấn.

- Cầu cảng dài 100m, được lắp 2 cần cẩu cố định chạy điện với sức nâng 36 tấn ở mọi tầm với và có 03 cầu phụ có thể tiếp nhận sà lan dưới 500 tấn.

- Cảng có 03 xe nâng hàng với sức nâng 45 tấn, 08 xe nâng rỗng, 15 xe đầu kéo và với 150 ổ cắm container lạnh có thể đáp ứng mọi yêu cầu khắc khe nhất của khách hàng.

- Tổng diện tích cảng là 45.000 m2 với sức chứa trên 3.000 teus (được chia thành các khu hàng nhập, hàng xuất, khu đóng hàng rút ruột, khu chứa container lạnh), kho hàng rời 1.000 m2, bồn chứa dầu thực vật 15.000 m3, cảng có tường rào được xây dựng kiên cố để ngăn cách với bên ngoài...