Hải quan TP. Đà Nẵng:

Thêm nhiều chiến công trên mặt trận chống buôn lậu

Đỗ Hải (thực hiện)

Thời gian qua, Hải quan Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan hữu quan đã phát hiện, đấu tranh và bắt giữ nhiều vụ việc lợi dụng chính sách thông thoáng để buôn lậu, gian lận thương mại có giá trị lớn. Để hiểu rõ hơn tính chất, hành vi của các vi phạm, Phóng viên Tạp chí Tài chính có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hương, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. Đà Nẵng.

Phóng viên: Xin ông đánh giá sơ bộ về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn do Cục Hải quan TP. Đà Nẵng quản lý trong những tháng đầu năm 2016?

Thêm nhiều chiến công trên mặt trận chống buôn lậu - Ảnh 1

Ông Nguyễn Hương, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. Đà Nẵng

Ông Nguyễn Hương: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 8 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn do Cục Hải quan TP. Đà Nẵng quản lý diễn biến ít phức tạp hơn so với trước.

Việc triển khai thực hiện Luật Hải quan số 12/2014/L-CTN ngày 30/6/2014 và các văn bản hướng dẫn Luật đồng thời với việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Phần lớn các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động XNK chấp hành tốt pháp luật hải quan. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để gian lận, buôn lậu.

Tiêu biểu như, nhập khẩu, xuất khẩu hàng sai số lượng, mặt hàng, xuất khẩu mặt hàng cấm, không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, tự ý tiêu thụ hàng hóa được phép mang về tự bảo quản khi chưa có kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Mặt khác, các đối tượng lợi dụng loại hình quà biếu tặng để gửi các tài liệu, băng dĩa phản động, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tân dược các loại thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu; các loại tiền chất ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Thời gian qua, Hải quan TP. Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị hàng hóa lớn, thủ đoạn buôn lậu thì rất tinh vi, tính chất vụ việc khá nghiêm trọng. Ông có thể đánh giá sơ bộ về thực trạng này?

Nước ta đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, lưu lượng hàng hoá XK, NK, quá cảnh, phương tiện và hành khách XNC gia tăng không ngừng, so với hai đầu đất nước thì Đà Nẵng không phải địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được đẩy mạnh, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động XNK.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, không tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về về thủ tục hải quan để buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đòi hỏi ngày càng quyết liệt hơn để ứng phó với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, Hải quan TP. Đà Nẵng luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Theo đó, hàng năm Cục đều xây dựng kế hoạch, chương trình chống buôn lậu, gian lận thương mại trên đại bàn quản lý, cùng với đó là sự phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, theo dõi, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.

Điển hình một số vụ việc vi phạm như:  Hải quan Đà Nẵng phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an phát hiện liên tiếp 03 vụ vi phạm với lượng hàng 3.781,1 kg sản phẩm động vật dạng khúc nghi là ngà voi, 122 kg sản phẩm ở dạng sừng nghi là sừng tê giác, 4.002 kg sản phẩm ở dạng vảy nghi là vảy tê tê.

Đây là các vụ buôn lậu lớn, có phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tổ chức cất giấu tinh vi: Giấu trong đá rỗng bên trong, bọc giấy bạc chống soi chiếu; dấu trong gỗ và dấu trong các bao đậu đỏ, chuyển tải lòng vòng qua nhiều cảng khác nhau để tránh bị theo dõi; thay đổi tên người nhận hàng...

Khi bị phát hiện, đối tượng đã từ chối nhận hàng để tránh sự kiểm tra của Hải quan và trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp tìm mọi cách để chuyển hàng hóa bất hợp pháp ra và vào Việt Nam thông qua các hình thức xuất nhập khẩu. Liệu Đà Nẵng có phải là tâm điểm mà các đối tượng buôn lậu đang hướng đến?

Khi thực hiện hiện đại hóa ngành hải quan, chuyển từ thủ tục hải quan truyền thống sang thủ tục hải quan điện tử, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hải quan để buôn lậu, gian lận thương mại. Đà Nẵng là địa bàn có Cảng biển, cảng hàng không nên không tránh khỏi thực trạng trên.

Cục Hải quan TP. Đà Nẵng luôn xác định phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, chủ động nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Thời gian gần đây, Cục đã phát hiện một số vụ việc lợi dụng sự phân luồng (luồng xanh, luồng vàng) của hệ thống thông quan điện tử (VNACCS) để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Cụ thể, khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, khai trên tờ khai hải quan là mặt hàng đá thủ công mỹ nghệ (bàn ghế đá các loại), hệ thống phân luồng vàng, hàng hóa đã thông quan xuất đi nước ngoài, nhưng qua công tác nắm tình hình, đối chiếu thì phát hiện thực chất là mặt hàng gỗ.

Gần đây nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Đội 2)- Cục Điều tra Chống buôn lậu phát hiện lô hàng xuất khẩu khai báo là vải vụn, hệ thống thông quan điện tử phân luồng xanh, thực hiện kiểm tra 06 container đã phát hiện hàng hóa thực xuất là nhôm thỏi và đồng phế liệu.

Các vụ việc trên đã chuyển cho cơ quan có chức năng điều tra, đấu tranh làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng cuối năm, Hải quan TP. Đà Nẵng đã có những giải pháp gì thưa ông?

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Hải quan TP. Đà Nẵng xác định, trong thời gian đến cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; kế hoạch 185/KH-TCHQ ngày 17/8/2015 của Tổng cục Hải quan thực hiện Nghị quyết của Chính  phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;

Đồng thời, tổ chức chỉ đạo thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ban chỉ đạo 389/TW, UBND TP. Đà Nẵng, Ban chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng, các bộ, ngành chức năng khác có liên quan đến công tác kiểm soát hải quan;

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình tại các địa bàn, đối tượng trọng điểm nhằm thu thập thông tin có liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan để có biện pháp điều tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời;

- Chỉ đạo hai Đội Kiểm soát và các Chi cục thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ hải quan, chú trọng nghiên cứu nắm tình hình, cập nhật bổ sung hoàn thiện các hồ sơ sưu tra, công tác xây dựng cơ sở bí mật, chống thất thu thuế, giám sát hàng XK, kiểm soát hàng NK nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng,  chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống ma túy.

- Tăng cường công tác chống gian lận thương mại qua trị giá, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường công tác quản lý rủi ro để kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa có yêu cầu kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

Các hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường; những loại hình dễ gian lận xuất xứ như: hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; nhóm lĩnh vực lợi dụng để vi phạm như chính sách ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu và hàng hóa của khách nước ngoài khi xuất cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan... 

- Chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn: Công an, An ninh hàng không, Bộ đội Biên phòng, Chi cục quản lý thị trường Thành phố… trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới..