Thí điểm mua sắm tài sản tập trung: Đã tiết kiệm chi NSNN 467 tỷ đồng

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là thông tin được Cục trưởng Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng đưa ra khi đánh giá 5 năm triển khai thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung tại 23 Bộ, ngành và địa phương. Theo lãnh đạo Cục QLCS, nếu việc mua sắm được thực hiện ở tất cả các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung thì kết quả đạt được sẽ còn lớn hơn nhiều.

 Thí điểm mua sắm tài sản tập trung: Đã tiết kiệm chi NSNN 467 tỷ đồng
5 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy những kết quả khá tích cực. Nguồn: internet
Mua sắm công tập trung tiết kiệm 467 tỷ đồng
 
Bắt đầu từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo phương thức tập trung với mục đích nhằm tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong sử dụng NSNN; bảo đảm tài sản hàng hóa được trang bị đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động của cơ quan nhà nước.Theo nguyên tắc này, 5 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy những kết quả khá tích cực.

Nếu như trước năm 2008, đa số tài sản mua sắm tập trung chỉ là máy photocoppy, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, tin học, thì sau năm 2008, ngoài các tài sản trên còn có xe ôtô, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, máy soi contener, trang phục ngành hải quan, máy đo C02, N2, tem thuốc lá, dịch vụ bảo hiểm tài sản, thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện của lực lượng bảo vệ, đồ dùng cho công tác đối ngoại, lễ tân của Nhà nước, các công cụ, phương tiện hỗ trợ công tác thi hành án... 
 
Theo lãnh đạo Cục QLCS, cái được lớn nhất của hình thức mua sắm tài sản tập trung là đã hình thành hệ thống văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung. Các quy định đã điều chỉnh từ khâu lập kế hoạch, giao dự toán, xây dựng phương án tổ chức mua sắm, đấu thầu, bàn giao tài sản, hàng hóa cho đơn vị quản lý, sử dụng, bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm; kiểm tra, giám sát, công khai kết quả mua sắm, xử lý vi phạm, trách nhiệm của tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước. 
 
Đặc biệt, sau 5 năm thí điểm hình thức mua sắm tập trung tại 23 bộ, ngành và địa phương, số tiền dự toán và số tiền thực tế mua sắm đã có chênh lệch giảm tới 467 tỷ đồng. Hiệu quả của mua sắm tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi mà còn được thể hiện ở chất lượng hàng hóa đầu vào tốt, giá thống nhất, tương đồng về kỹ thuật; đảm bảo công khai, minh bạch. Như vậy, nếu việc mua sắm tập trung được mở rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước và mở rộng cả đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung thì số chênh lệch này được chắc chắn sẽ cao hơn nhiều – ông Thắng nhận định. 
 
Kiến nghị thành lập Trung tâm mua, bán tài sản công
 
Mặc dù khẳng định, mua sắm tập trung là công cụ hữu hiệu để đảm bảo việc chi tiêu cho mua sắm công tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, nhưng theo lãnh đạo Cục QLCS, để đảm bảo việc tổ chức thực hiện mua sắm tập trung ở Việt Nam trong thời gian tới, trước hết phải đổi mới về quan niệm mua sắm tập trung. 
 
Theo đó, việc mua sắm tập trung không phải là hình thức tập trung việc mua sắm tài sản, dịch vụ vào một đầu mối, sau đó cấp phát cho các đơn vị sử dụng, mà mua sắm công tập trung phải tạo ra thiết chế để tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Chính phủ, đảm bảo hợp lý, tiết kiệm. Trên cơ sở đó, lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả hợp lý nhất làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp được lựa chọn.

Đối với hình thức mua sắm tập trung, cần thiết phải quy định thống nhất danh mục, chủng loại hàng hóa, dịch vụ mua sắm tập trung để áp dụng thống nhất trong cả nước, trên cơ sở đó đấu thầu công khai, lựa chọn một số nhà cung cấp nhất định với chất lượng phù hợp, giá cả tốt nhất. Từ đó cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản sẽ ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp đã được lựa chọn trên cơ sở giá cả có sẵn và mẫu hợp đồng chung. Như vậy sẽ giảm được thời gian, nhân lực, chi phí mà tất cả các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản đang tự tổ chức mua sắm đều phải thực hiện một cách không chuyên nghiệp như hiện nay.

Để đảm bảo các chức năng đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án hình thành Trung tâm dịch vụ mua, bán tài sản công để thực hiện dịch vụ đấu thầu mua sắm công, đấu giá khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công. Trung tâm này sẽ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động. Để tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý tài sản nhà nước thì Trung tâm mua – bán tài sản công sẽ thực hiện hai nhóm nhiệm vụ chính, thứ nhất là tổ chức thực hiện mua sắm công tập trung; thứ hai là, thực hiện đấu giá công khai khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị nhà nước.
 
Theo Cục QLCS, khi hoàn thiện được cơ chế theo hướng trên, đồng thời hình thành được Trung tâm mua - bán tài sản công như phương án Bộ Tài chính đang nghiên cứu hoàn tất thì chắc chắn hoạt động mua sắm tài sản công sẽ được tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao hơn và đặc biệt sẽ tiết kiệm đáng kể nguồn lực tài chính ngân sách so với hiện nay.