Thị trường bảo hiểm: Cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Minh Hà

Đó là mong muốn của các chuyên gia, diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp bảo hiểm tại Hội thảo“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020”, do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 2/11/2015, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Trường

Nhân lực không ngừng tăng lên về số lượng…

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp (DN) và chất lượng sản phẩm dịch vụ… Đến nay, tổng số DN hoạt động trên thị trường bảo hiểm là 61 DN, trong đó có 30 DN bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và chi nhánh công ty BH phi nhân thọ nước ngoài, 17 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm.

Với bài tham luận “Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020”, TS.Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2014, thị trường tăng trưởng cao, ổn định, đạt mức trung bình 12,7%/năm.

Tổng doanh thu của thị trường năm 2014 là 65.802 tỷ đồng (doanh thu phi nhân thọ là 27.307 tủ đồng, doanh thu nhân thọ đạt 27.328 tỷ đồng, doanh thu đầu tư đạt 11.167 tỷ đồng), đạt mức 2,44% so với GDP, hoàn thành mục tiêu trung hạn của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2020.

Về quy mô, số lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm, báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, lực lượng cán bộ và đại lý bảo hiểm tăng lên không ngừng, đóng góp đáng kể vào lực lượng lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2010, lực lượng nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm đã đạt tới 243.203 lao động, đóng góp đáng kể vào giải quyết việc làm cho người lao động trong nền kinh tế. Trong đó, riêng lực lượng đại lý bảo hiểm đã có tới 229.217 đại lý bảo hiểm, tăng 34,98% so với năm 2009.

Năm 2011, nguồn nhân lực ngành bảo hiểm đã tăng lên một mức rất ấn tượng là 32,54% so với năm 2010, đạt tới con số 303.716 người. Trong đó, riêng lực lượng đại lý bảo hiểm đã có tới 283.593 đại lý bảo hiểm, tăng 23,7% so với năm 2010.

Năm 2012, nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm đã tăng lên 6,21% so với lực lượng lao động ngành bảo hiểm năm 2011, đạt tới con số 322.676 người. Trong đó, riêng lực lượng đại lý bảo hiểm đã có tới 304.864 đại lý bảo hiểm, tăng 7,5% so với năm 2011.

Năm 2013, nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm đã tăng lên 4,57% so với lực lượng lao động ngành Bảo hiểm năm 2012, đạt tới 310.408 đại lý bảo hiểm, tăng 1,8% so với năm 2012.

Năm 2014, nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm đã tăng lên đáng kể so với năm 2013, tạo công văn việc làm cho 404.401 lao động. Trong đó, riêng lực lượng đại lý bảo hiểm đã đạt tới 381.801 người, tăng tới 23% so với năm 2013 (đại lý bảo hiểm nhân thọ là chủ yếu, đạt 312.184 người, tăng 29,34% so với năm 2013; đại lý bảo hiểm phi nhân thọ không có biến động lớn, đạt 69.617 người, tăng 0,84% so với năm 2013).

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng đã đưa ra một số dự báo về chỉ tiêu tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, nếu năng suất lao động như hiện nay thì nguồn nhân lực cần thiết đến năm 2015 đối với lĩnh vực nhân thọ là gần 350.000 người, đối với lĩnh vực phi nhân thọ là gần 180.000 người. Theo dự kiến, vào năm 2020, số nhân lực này tăng gấp đôi.

...nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường

Thực tế hoạt động thị trường bảo hiểm trong những năm qua cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó một trong những hạn chế là năng lực quản trị, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm chưa đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải cạnh tranh cao hơn nữa.

Sự thiếu hụt về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao luôn là một bài toán khó đối với ngành Bảo hiểm Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát từ các DNBH, trình độ đại lý hiện nay có cả 4 cấp độ: phổ thông trung học, trung cấp, cao đẳng và đại học trở lên. Trong đó đại lý có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm nhiều nhất, thứ hai là đại lý tốt nghiệp từ đại học trở lên.

Đưa ra nghững vấn đề còn tồn tại liên quan đến nguồn nhân lực bảo hiểm, TS.Nguyễn Thanh Nga cho biết, số cán bộ được đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm còn chưa nhiều kể cả ở cấp độ quản lý và cán bộ chuyên môn; có sự chênh lệch đáng kể về trình độ và chất lượng đào tạo giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa DN có thâm niên lâu năm và DN mới thành lập, giữa DN lớn với các DN quy mô nhỏ; các DNBH ở mọi quy mô, loại hình, đều chưa quan tâm đầu tư bài bản, dài hạn cho người lao động; số lượng các DNBH tăng trong những năm gần đây không song hành cùng với chất lượng của nhân viên bảo hiểm gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng của nhân viên có trình độ; tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực là cán bộ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm còn hạn chế…

Ông Lê Tiến Thịnh, đại diện Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam cho rằng, tính chuyên nghiệp trong đào tạo đại lý còn hạn chế, kết quả chất lượng khai thác của đại lý chưa cao, một phần là do sức ép tăng trưởng nóng về số lượng đại lý, nên một số DNBH nhân thọ tập trung chú trọng phát triển mạng lưới, gia tăng số lượng đại lý nhưng chưa chú trọng đến chất lượng.

Phần lớn đội ngũ đại lý bảo hiểm chưa coi đại lý bảo hiểm là nghề nghiệp chính, chỉ hoạt động bán thời gian, bởi vậy việc huấn luyện ban đầu chưa được coi trọng, cũng như không đáp ứng các yêu cầu về huấn luyện nâng cao và thường xuyên.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực của ngành bảo hiểm cả về số lượng lẫn chất lượng, theo TS. Phí Trọng Thảo, Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt, có 5 nguyên nhân chính:

(1) Do thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhưng không có sự chuẩn bị trước về nhân lực, cộng với nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; (2) thị trường bảo hiểm đang hoạt động trong môi trường thiếu chuẩn;

(3) công tác quản lý và giám sát hoạt động của các DNBH dường như chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường; (4) các DNBH chưa quyết tâm nâng cao năng lực cán bộ, để đủ sức phát triển bền vững DN nói riêng và thị trường nói chung; (5) chưa có sự phổi kết hợp tốt giữa các cơ sở đào tạo với các DNBH.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Từ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tồn tại những hạn chế, tại hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm trong thời gian tới để có những bước phát triển đột phá về chất lượng nhân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Gợi ý đưa ra những giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TS. Phí Trọng Thảo cho rằng, cần đẩy mạnh công tác quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh của các DNBH và hoàn thiện môi trường pháp lý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phải được bổ sung chức năng nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường. Cùng với đó, trách nhiệm của mỗi DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về giải pháp phát triển đội ngũ đại lý bảo hiểm, ông Lê Tiến Thịnh, đại diện Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam cho rằng, cần nâng cao năng lực đào tạo của đội ngũ huấn luyện đại lý bảo hiểm; nâng cao tính chuyên nghiệp của đại lý bảo hiểm.

Với bài tham luận“Tuyển dụng nhân sự tại DNBH và một số khuyến nghị nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam” Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life cho rằng, cần đầu tư mạnh vào các chương trình đào tạo đại học, bên cạnh các khóa đào tạo ở trình độ cơ bản, cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, tính ứng dụng nghề nghiệp cao về từng nghiệp vụ thực hành trong DNBH…

Hàng năm, các trường đại học có phối hợp với các DNBH dành một số chỉ tiêu đào tạo bậc đại học/trên đại học chuyên ngành bảo hiểm cho người lao động đang làm việc trong DNBH.

Các tổ chức đào tạo, Hiệp hội Bảo hiểm và các DNBH phối hợp tổ chức các hội thảo trong nước, mời các diễn giả có uy tín trong và ngoài nước chia sẻ không chỉ giới hạn trong các đề tài nghiên cứu khoa học, mà có thể mở rộng ra việc chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản trị DN…/.