Thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn: Thận trọng, công khai và có lộ trình

PV.

Việc thoái vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn trong năm 2016 và đầu năm 2017 theo chỉ đạo của Chính phủ đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thoái vốn cần được thực hiện thận trọng, công khai và có lộ trình cụ thể.

Thoái vốn nhà nước tại Vinamilk trong năm 2016.
Thoái vốn nhà nước tại Vinamilk trong năm 2016.

Tháng 10/2015, Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia; Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Hạ tầng và bất động sản Việt Nam; Công ty Nhựa Bình Minh; CTCP Sữa Việt Nam; Công ty CP FPT; Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty Viễn thông FPT.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2016, SCIC cho biết sẽ tiến hành bán cổ phần của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), 9 doanh nghiệp nhà nước còn lại cũng sẽ được thoái vốn chậm nhất vào đầu năm 2017. 

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện SCIC đang xây dựng phương án cụ thể về thoái vốn tại 10 doanh nghiệp trên để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp trên là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ.

Bộ trưởng khẳng định, điểm nhấn của lần bán vốn này như Thủ tướng đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, những doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp lớn trong một ngành sản xuất, vì vậy khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường.

Lấy ví dụ trường hợp của Vinamilk, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Vinamilk là thương hiệu có giá trị không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm khu vực. Vì vậy, việc bán cổ phần ra thị trường của doanh nghiệp này có thể không chỉ thực hiện một lần, mà phải nhiều lần, không thể bán vội, bán rẻ được nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Ông Tiến cho rằng, muốn bán hiệu quả, cần phải thuê các nhà tư vấn quốc tế xác định lại giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, phải tham khảo giá giao dịch trên thị trường để tính giá khởi điểm. Toàn bộ quá trình này sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Về nguồn thu được từ việc thoái vốn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, số tiền thu về chắc chắn sẽ được sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, một phần sẽ được đầu tư trở lại các doanh nghiệp mà Nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Một phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.