Thông lệ quốc tế về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng

PV.

(Tài chính) Ngày 19/6/2013, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng và mang tính đột phá là quy định về ngưỡng tính thuế GTGT.

Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng và mang tính đột phá của Luật Thuế GTGT là quy định về ngưỡng tính thuế. Nguồn: internet
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng và mang tính đột phá của Luật Thuế GTGT là quy định về ngưỡng tính thuế. Nguồn: internet

Quy định về ngưỡng tính thuế GTGT làm cho hệ thống thuế GTGT của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đơn giản hoá cách tính thuế GTGT trực tiếp, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của quản lý thuế.

Hiện trên thế giới có hơn 150 nước đang áp dụng thuế GTGT hoặc thuế tiêu dùng. Hầu hết các nước đều có quy định về ngưỡng đăng ký thuế GTGT, nhằm xác định đối tượng nào sẽ tham gia vào hệ thống thuế GTGT và trở thành người nộp thuế.

Việc áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT là để đơn giản hóa cho quản lý, phù hợp với lợi ích của người nộp thuế và cả công tác quản lý của cơ quan thuế. Việc quy định ngưỡng đăng ký thuế GTGT nhằm làm giảm đối tượng phải kê khai thuế GTGT.

Người nộp thuế GTGT chỉ bao gồm những trường hợp có khả năng tuân thủ (thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, lưu giữ hóa đơn chứng từ đầy đủ) và được hưởng ưu thế của thuế GTGT (so với thuế doanh thu) là chỉ nộp thuế trên phần giá trị gia tăng qua các khâu và không bị trùng lắp. Bên cạnh đó, việc quy định ngưỡng đăng ký thuế GTGT làm giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và tăng hiệu quả quản lý cho cơ quan thuế theo nguyên tắc hiệu quả - chi phí.

Việc xác định ngưỡng đăng ký thuế dựa vào doanh thu là phương pháp dễ dàng nhất để phân tách doanh nghiệp nào có năng lực tuân thủ, doanh nghiệp nào không. Ngoài ra, doanh thu là chỉ tiêu phản ánh quy mô đáng tin cậy nhất. Do đó, doanh thu là thước đo tốt nhất để xác định ngưỡng chịu thuế GTGT, vì nó là chỉ tiêu tính toán đơn giản nhất đối với các doanh nghiệp. 

Từ thực tế hơn 100 nước trên thế giới có áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT cho thấy, những nước áp dụng thuế GTGT tốt là nước có ngưỡng thuế GTGT dựa vào doanh thu. 

Một số tài liệu của các tổ chức quốc tế cũng đưa ra công thức, phương pháp để xác định ngưỡng đăng ký thuế GTGT. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT phụ thuộc nhiều vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, ý thức tuân thủ của người nộp thuế, số lượng người nộp thuế cùng với việc xác định chi phí quản lý của cơ quan thuế. Do đó, trên thực tế, mức ngưỡng doanh thu đăng ký thuế GTGT có sự khác nhau giữa các nước.

Một mức ngưỡng được xác định hợp lý nên loại trừ các đối tượng nộp thuế nhỏ, siêu nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh, những đối tượng này không bắt buộc phải đăng ký thuế GTGT. Một số nước phát triển đã quy định mức ngưỡng rất cao như Nhật Bản 10 triệu Yên, Anh 77.000 bảng, Singapore 1 triệu SGD…, một số nước đang phát triển trong khu vực hoặc một số nước chuyển đổi quy định mức ngưỡng thấp hơn như Thái Lan 1.800.000 Baht, Indonesia 600 triệu Rupiah, Ba Lan 150.000 PLN...

Mức ngưỡng hiện đang áp dụng tại các nước khu vực Đông Nam á và các nước OECD như sau: (bảng)

Thông lệ quốc tế về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng  - Ảnh 1

Người nộp thuế có doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT trong một năm trên ngưỡng nhất định phải thực hiện đăng ký nộp thuế GTGT và được gọi là người nộp thuế GTGT. Người nộp thuế GTGT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải sử dụng hóa đơn thuế GTGT và có quyền kê khai, khấu trừ thuế GTGT đã trả trên các hóa đơn thuế mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT. 

Người nộp thuế có mức doanh thu dưới ngưỡng thì không được gọi là người nộp thuế GTGT. Tuy nhiên, các nước có quy định việc đăng ký tự nguyện, có nghĩa là, người nộp có thể đăng ký trở thành người nộp thuế GTGT tự nguyện trước khi có hoạt động kinh doanh; hoặc đăng ký nộp thuế GTGT khi mức doanh thu trong năm chưa đạt đến ngưỡng quy định nhưng đáp ứng được một số điều kiện nhất định (như là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ chế độ kế toán...).

Các đối tượng dưới ngưỡng không phải là người nộp thuế GTGT và không được phép xuất hóa đơn có thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và không có quyền được khấu trừ thuế GTGT đã trả trên các hóa đơn thuế mua hàng hóa, dịch vụ. 

Việc ban hành ngưỡng đăng ký thuế GTGT tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, một mặt để phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế đã được đặt ra và phê duyệt thành định hướng hoàn thiện hệ thống thuế ở Việt Nam. Ngoài ra, một lý do hết sức quan trọng và cấp thiết khi ban hành ngưỡng đó là, quy định ngưỡng sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Hiện nay, cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương với nguồn nhân lực hơn 4 vạn người đang quản lý khoảng 400.000 doanh nghiệp và 1,7 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Trong số người nộp thuế đang quản lý, có rất nhiều trường hợp (kể cả số lượng lớn trong đó là doanh nghiệp) quy mô rất nhỏ, doanh thu thấp và có số thuế GTGT nộp vào ngân sách nhà nước không đáng kể.

Hiện nay, Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tần suất kê khai để nâng cao hiệu quả quản lý, tránh tình trạng “dàn đều” nguồn lực, không phân biệt theo quy mô cũng như mức độ đóng góp của người nộp thuế cho ngân sách nhà nước gây lãng phí chi phí tuân thủ.

Việc quy định ngưỡng tính thuế GTGT sẽ giúp phân loại được nhóm người nộp thuế cần ưu tiên quản lý, nhóm này sẽ thực hiện khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ như hiện hành; đối với nhóm người nộp thuế nhỏ (dưới ngưỡng) có thể đơn giản hoá cách thức quản lý để giảm chi phí quản lý và áp lực công việc cho cán bộ thuế.