Thu - Chi ngân sách: Nhiều yếu tố lạc quan

PV.

Chúng ta đều biết, thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do Chính phủ phải chi tiêu rất nhiều cho các nhiệm vụ cấp bách chứ không phải do hụt thu. Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là ngành Tài chính đã có lộ trình và giải pháp để giảm thâm hụt ngân sách, tìm kiếm nguồn thu bù đắp chi tiêu.

Tìm mọi nguồn thu để đảm bảo chi. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Tìm mọi nguồn thu để đảm bảo chi. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Xem xét cán cân thu - chi

Yếu tố chi: Hiện, tổng chi ngân sách của Chính phủ cho các hoạt động thường xuyên (không bao gồm chi trả nợ gốc) lên tới 31,5% GDP. Đáng lưu ý, trong hai năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ NSNN.

Nhiệm vụ chi mỗi năm một tăng cao, nhu cầu chi của xã hội về tăng lương, hỗ trợ đối tượng chính sách, đặc biệt, chi cho quốc phòng, an ninh, bảo hiểm xã hội… đòi hỏi rất lớn, tưởng chừng ngân sách không đáp ứng nổi. Vấn đề nợ công thời gian qua cũng khiến dư luận quan tâm, lo lắng…

Hiện, bội chi ngân sách và nợ công chưa giảm. Chi thường xuyên rất lớn, chiếm khoảng 71-72%; chi trả nợ chiếm 25-26% tổng thu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tình hình ngân sách đáng lo lắng. Tuy nhiên, đánh giá về tiềm năng thu NSNN thì rất nhiều người đều đã có cái nhìn lạc quan.

Yếu tố thu: Xét về yếu tố thu thì bốn năm gần đây tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và viện trợ trung bình đạt khoảng 24% GDP/năm (tăng khoảng 10,4% mỗi năm). Riêng trong năm 2015, số liệu về thu rất khả quan:

Thu nội địa: Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, thu NSNN lũy kế 11 tháng của năm 2015 đạt 860,1 ngàn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, bằng 92,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý, cơ cấu nguồn thu ngân sách đã thay đổi. Nếu trước đây, thu từ dầu thô chiếm tỷ trọng lớn thì năm 2015, số thu nội địa đã tăng mạnh.

Cụ thể, số thu nội địa lũy kế 11 tháng đạt 642,7 ngàn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán, bằng 93,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội. 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm.

Nhiều khoản thu đạt cao như các khoản thuế bảo vệ môi trường đạt 185,9% dự toán; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 154,5% dự toán; thu khác ngân sách đạt 154,2% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 143,1% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 127,8% dự toán...

Thu từ dầu thô: Nguồn thu từ dầu thô, lũy kế 11 tháng đạt 60,57 ngàn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán. Sản lượng dầu thanh toán 11 tháng ước đạt xấp xỉ 15,28 triệu tấn, bằng 103,4% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 57 USD/thùng, giảm 43 USD/thùng so với giá dự toán.

Nhìn vào số liệu thu của năm 2015, thấy thu ngân sách địa phương tăng lên nhưng thu từ ngân sách Trung ương lại giảm. Lý do chủ yếu là do giá dầu thô giảm mạnh, giá thanh toán bình quân trong năm nay ước chỉ đạt 54 - 55 USD/thùng, so với giá dự toán 100 USD/thùng. Theo tính toán sơ bộ, giá dầu thô giảm khiến ngân sách Trung ương hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác lên tới 63.000 tỷ đồng.

Trong đó, thu từ dầu thô hụt 32.000 tỷ đồng; thu nội địa giảm 12.000 tỷ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 19.000 tỷ đồng do trị giá tính thuế giảm.

Ngoài ra, thực hiện cam kết, kể từ năm 2015, thuế nhập khẩu mazut và diesel từ các nước ASEAN đã giảm xuống 0% và 5%, nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng tỷ trọng nhập khẩu 2 mặt hàng này từ ASEAN và giảm nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN với mức thuế nhập khẩu cao gấp nhiều lần. Việc này cũng góp phần làm giảm thu ngân sách Trung ương.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Số lũy kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng ước xấp xỉ 152,3 ngàn tỷ đồng (tổng số thu đạt 231,3 ngàn tỷ đồng, bằng 89% dự toán...).

Nhiều yếu tố lạc quan:

Giá dầu giảm, thuế suất giảm, khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân tăng… nhưng thu vẫn tăng: Dù tỷ lệ thu từ dầu thô giảm nhưng hoạt động nhập khẩu xăng dầu lại được hưởng lợi, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn -Thứ trưởng Bộ Tài chính “Nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD/thùng như hiện nay thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 2 - 2,1 tỷ USD”.

Một điều quan trọng hơn, việc giá xăng dầu giảm có thể giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó kích cầu tiêu dùng toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn (nhiên liệu xăng dầu - là khoản chi đầu vào khá lớn của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm quãng 20-30%, cá biệt như trong ngành giao thông vận tải, chiếm tới 50% chi phí sản xuất).

Khi chi phí sản xuất giảm và thu của các doanh nghiệp và người kinh doanh có cơ sở tăng lên, thì việc cơ cấu nguồn thu sẽ thay đổi, làm thu nội địa tăng.

Thêm nữa, từ năm 2016, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông sẽ giảm xuống 20%, thay vì 22; thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ còn 17%, thay vì 20% như hiện nay.

Kinh nghiệm cho thấy, giảm thuế suất ở mức hợp lý, thì ngân sách sẽ tăng thu, do giảm thuế suất, giảm mức độ đóng góp sẽ khiến số doanh nghiệp và hộ tư nhân tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tăng lên, thu ngân sách cũng theo đó tăng cao. Có thể nói, việc giảm thuế suất thực chất đã mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Một thực tế nữa là, việc tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu/người/tháng, khiến người tham gia kinh doanh và lao động ở các ngành nghề có thu nhập cao cũng tăng lên, đây cũng là yếu tố làm số thu từ thuế thu nhập cá nhân liên tục tăng. Năm nay thuế thu nhập cá nhân dự kiến đạt 55.000 tỷ đồng, sang năm sắc thuế này sẽ vượt số thu từ dầu thô.

Tóm lại

Dù có một số tác động từ bên ngoài khiến số thu ngân sách Trung ương giảm, nhưng vấn đề thu vẫn rất lạc quan, và ngành Tài chính - người điều tiết công tác thu – chi NSNN đang có rất nhiều giải pháp để điều hòa, cân đối thu chi.

Bộ Tài chính còn lên phương án ứng phó với biến động giá dầu thô, đưa ra các kịch bản khi giá dầu giảm mạnh hơn nữa, thậm chí ở mức 30USSD/thùng. Tận dụng hai mặt của vấn đề: lợi và hại khi giá dầu biến động, từ đó có cơ chế và chính sách thu - chi, đặc biệt là chi tiêu hợp lý... đó là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, trách nhiệm tham mưu của ngành Tài chính..

Bộ Tài chính đã có nhiều phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu, tăng cường chống thất thu NSNN, đồng thời điều chỉnh tiến độ chi NSNN cho phù hợp:

Trong tháng cuối năm và những tháng sắp tới của năm 2016, việc ráo riết đốc thu các khoản nợ đọng thuế (70.000 tỷ đồng) và cắt giảm chi tiêu công là nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của ngành Tài chính. Chỉ có cắt giảm chi tiêu công một cách hợp lý thì mới giải quyết được tận gốc của vấn đề cân đối thu - chi.

Vấn đề quản lý chặt chẽ chi thường xuyên – cũng đã được chú trọng. Việc rà soát lại dự toán chi thường xuyên (các khoản chi, định mức chi thường xuyên) cũng sẽ được tiến hành cùng với việc thực hiện quy định về xây dựng định mức và quản lý chi tiêu mua sắm máy móc thiết bị, tài sản công vừa được Chính phủ ban hành (Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016).

Không chỉ trong điều tiết chi tiêu, công tác thanh kiểm tra sẽ được tiến hành nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo đưa các đối tượng và các phạm vi hoạt động kinh tế - tài chính vào khuôn khổ pháp luật.

Tiến hành đồng bộ các giải pháp và chính sách tài chính-tiền tệ, phối hợp chặt chẽ các công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô và vi mô, đối nội và đối ngoại... chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, dù hoàn cảnh nào, ngân sách cũng không thâm thủng.