Thu ngân sách nhà nước đạt 102,6% dự toán: Kết quả của những nỗ lực

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Bên lề Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2013 triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2014 do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 9/1/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tham dự Hội nghị về một số kết quả đạt được của thực hiện dự toán thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 và những định hướng lớn của Ngành Tài chính trong thực hiện dự toán ngân sách năm 2014.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng vào tháng 9/2013, trong báo báo trình bày trước Quốc Hội, Bộ Tài chính có ước số hụt thu NSNN năm 2013 là trên 63.000 tỷ đồng. Nhưng tại kết quả báo cáo cuối năm, ngành Tài chính không chỉ đảm bảo thu đủ mà còn thu vượt dự toán ngân sách. Ông lý giải về vấn đề này như thế nào?

Thu ngân sách nhà nước đạt 102,6% dự toán: Kết quả của những nỗ lực - Ảnh 1
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Trong báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội tháng 9/2013 đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách, Bộ Tài chính ước Tổng thu cân đối  ngân sách trung ương sẽ hụt 63.000 tỷ đồng (tổng thu ngân sách năm 2013 hụt 25.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành với rất nhiều giải pháp phối hợp, đồng bộ thì đến ngày 31/12/2013 kết quả thu thực thu NSNN đạt 910.100 tỷ đồng, số thu tuyệt đối vượt 23.400 tỷ đồng (Dự toán Quốc hội giao đầu năm là: 887.000 tỷ đồng) đạt 102,6% dự toán. Kết quả thu NSNN năm 2013 sau khi đảm bảo chi hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm đạt 100,36% dự toán năm. Trong số vượt thu này, đã đầu tư trở lại một số ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng đến đời sống của người dân là 13.000 tỷ đồng.

Để có được kết quả như trên, theo tôi có 5 nguyên nhân hết sức quan trọng:

Thứ nhất, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) năm 2013 đã có những bước khởi sắc quan trọng thể hiện dựa trên số liệu thành lập mới và số liệu DN ngừng nghỉ hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2013, trong khi số DN ngừng, nghỉ, giải thể, phá sản là 61.000 DN thì số DN được thành lập mới là 79.000 DN. Như vậy, với 18.000 DN hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm trong năm 2013 đã nâng mức DN đang hoạt động lên con số 173.000 DN, qua đó có đóng góp không nhỏ vào nguồn thu NSNN.

Điều đáng nói không chỉ nằm trong những con số khô khan đó, nếu chúng ta biết rằng, từ năm 2012 trở về trước, số DN khai lỗ là 70% và hoạt động có lãi chỉ có 30% DN thì đến năm 2013, con số DN khai có lãi đã tăng lên 34,6% tăng 4,6% so với năm trước. Con số 4,6% DN chuyển từ lỗ thành lãi này đã giúp ngân sách tăng thêm 28.800 tỷ đồng. Đây là một sự khởi sắc hết sức quan trọng và đáng ghi nhận của cộng đồng DN trong đóng góp vào NSNN. Bên cạnh đó, số thuế Thu nhập DN mà DN đã nộp vào NSNN là 91.000 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn đằng sau đó là số tích lũy của DN đạt trên 270.000 tỷ để thực hiện cho đầu tư và các bước phát triển tiếp theo.

Thứ hai, thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về thu lợi tức sau thuế sau khi DN được trừ đi các loại quỹ của DN 100% vốn nhà nước và thu từ cổ tức từ vốn nhà nước đầu tư vào DN tại DN cổ phần hóa, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai thực hiện và được sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của địa phương và DN đã thu thêm được 28.000 tỷ cho ngân sách. Cần phải nói thêm rằng, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà thể hiện một xu hướng, một quy luật tất yếu đó là cần phải động viên vào NSNN phần vốn mà NN đã đầu tư vào DN để nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, đảm bảo công cuộc phát triển đất nước cũng như sự công bằng giữa khu vực DNNN và khu vực DN ngoài nhà nước.

Thứ ba, có được kết quả nêu trên không thể không nói tới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và phối hợp giữa các cấp ủy Đảng và UBND các cấp trên khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Các tỉnh thành đều đã ban hành các Chỉ thị liên quan tới công tác quản lý thu, chống thất thu nợ đọng hay thành lập các Ban chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu, nhắc nhở thu cho NSNN. Chính sự quyết liệt này đã giúp NSNN tăng thêm nguồn thu.

Thứ tư, là sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại sao chúng tôi lại nhấn mạnh điều này. Các bạn biết rằng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, năm 2013 chúng ta đã thực hiện giãn, giảm thuế Thu nhập DN cho DN, nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân (từ 1,5 triệu lên 9 triệu). Đã có nhiều ý kiến cho rằng khả năng không hoàn thành nhiệm vụ thu vì việc thực hiện giãn, giảm này. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thì tổng số tiền thuế được giãn, giảm năm 2013 là 28.000 tỷ đồng và chúng tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính gây giảm thu, mà ngược lại là chính sách cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

Thứ năm, đó là sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, trong đó nhiệm vụ thu chính thuộc về hệ thống thuế và hệ thống hải quan. Xác định được nguồn thu khó khăn nên trong 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế tập trung vào các DN có nhiều dấu hiệu rủi ro. Qua thanh kiểm tra 54.000 DN đã xử lý thu về cho ngân sách 13.400 tỷ đồng. Đối với nhóm DN có dấu hiệu chuyển giá, xử lý trên 230 DN, đấu tranh giảm lỗ ở nhóm DN này thêm 4.600 tỷ và tăng thu thêm cho ngân sách 2.300 tỷ.

Bên cạnh đó, Ngành cũng đã đấu tranh để chống lại việc lợi dụng chính sách thông thoáng, tạo điều kiện hoạt động cho DN để mua bán hóa đơn và trục lợi từ việc hoàn thuế GTGT. Trong năm cũng đã phối hợp với cơ quan công an để thanh tra 120 DN, chuyển cơ quan công an hồ sơ của 54 DN có dấu hiệu vi phạm, khởi tố 34 DN và bắt 21 đối tượng.

Đây là những nguyên nhân hết sức quan trọng để ngành Tài chính vượt thu dự toán ngân sách được Quốc hội, Chính phủ giao.

Thưa Thứ trưởng, vậy kết quả đóng góp cụ thể của các loại hình DN trong thu NSNN là như thế nào?

Năm 2013, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế là 5,4%, một chỉ tiêu khá cao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 16%, đóng góp vào thu NSNN do thuế xuất khẩu đem lại. Trong đó, cao nhất là DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và các DN FDI. Các DN này đã nộp vào NSNN vượt trên 30% so với cùng kỳ năm 2012. Đối với loại hình DN nhỏ và vừa (DNVVN), số nộp ngân sách tăng so với năm trước 14%. Đây là số rất tích cực bởi nó cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và chỉ số trượt giá.

Những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và từ Ngành Tài chính đã tạo nên những chuyển biến đáng kể cho cộng đồng DN. Vậy trong năm 2014, Ngành Tài chính sẽ thực hiện những chính sách nào hỗ trợ DN, đặc biệt là các DNVVN giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh đóng góp vào mục tiêu thu NSNN của Ngành thưa ông?

Từ ngày 1/1/2014, DNVVN được hưởng nhiều chính sách thuế Thu nhập DN, thay vì chịu mức thuế suất 25% chỉ phải chịu mức thuế suất 22% (riêng đối với DN có doanh thu năm trước liền kề 20 tỷ đồng trở xuống thì được ưu tiên áp dụng ngay mức thuế 20% kể từ ngày 1/7/2013). Đây là mức thuế suất hết sức cạnh tranh, tạo lợi thế để DN tăng nguồn lực cho phát triển DN trong giai đoạn mới. Ngoài ra, DNVVN tiếp tục được hưởng các chính sách liên quan về tín dụng, liên quan đến hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên phát triển hoặc những vùng kinh tế khó khăn.

Nếu DN tận dụng được những ưu đãi này từ Quốc hội, Chính phủ và ngành sẽ là cơ hội để DN ổn định sản xuất kinh doanh và các hướng phát triển trong tương lai.

Năm 2014, áp lực thu NSNN của Ngành sẽ như thế nào thưa ông?

Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2014, tổng số thu cân đối NSNN là 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 1.006.700 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Để triển khai công tác tài chính ngân sách 2014, hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao, ngày 30/12/2013, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của ngành tới toàn hệ thống. Để thực hiện được mục tiêu này, kết quả thu NSNN năm 2013 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ số tăng thu của 2013 sẽ góp phần giải quyết tăng chi, giải quyết nợ công cho ngân sách và các mục tiêu quan trọng khác.

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo với Chính phủ giao nhiệm vụ cho các hệ thống lớn trong ngành. Trong đó, hệ thống Thuế phấn đấu hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội và Thủ tưởng giao phấn đấu đạt vượt dự toán được giao tối thiểu 5% và Hải quan vượt dự toán phấn đấu là 3%. Tôi tin rằng, tuy nhiệm vụ được giao là hết sức nặng nề, nhưng với các giải pháp và bài học cụ thể được tổng kết, đúc rút từ năm 2013, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách của mình được Quốc hội và Chính phủ giao cho, tạo nguồn lực lâu dài cho phát triển kinh tế của đất nước.

Một số kết quả thực hiện NSNN năm 2013

- Dự toán thu NSNN Quốc hội giao: 887.000 tỷ đồng.

- Kết quả thực ngân sách 2013: 910.410 tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán.

- Kết quả thu NSNN 2013 sau khi đảm bảo chi hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm: 100,36% dự toán.