Thu ngân sách nhà nước từ thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng

PV. (Tổng hợp)

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt, việc triển khai thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đã góp phần tăng thu NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung và chi bảo vệ môi trường nói riêng.

Nguồn thu NSNN từ thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng.
Nguồn thu NSNN từ thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng.
Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là một sắc thuế mới trong hệ thống thuế ở Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều phương diện như: Góp phần nâng cao trách nhiệm với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững; Thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; Góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện, Luật Thuế bảo vệ môi trường trong những năm qua đã tác động rất lớn đến nguồn thu NSNN, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, tổng thu thuế BVMT đạt khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% tổng thu NSNN và khoảng 0,34% - 0,98% trên GDP hàng năm.

Trong đó, năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng; năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng.

Đặc biệt, số thu thuế BVMT từ năm 2015 tăng lên đáng kể là do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với xăng dầu tại Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13.

Những kết quả tích cực từ nguồn thu thuế BVMT đã tạo nguồn tài chính vững chắc để thực hiện các khoản chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT.

Về chi thường xuyên cho BVMT, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2012 - 2016, tổng chi BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng, trong đó, gồm: Chi thường xuyên từ NSNN, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT là khoảng 52.420 tỷ đồng; Chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương (gồm chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo… bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, duy tu đê điều, khuyến nông) là khoảng 36.711 tỷ đồng;

Về chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương gồm chi cho các chương trình,dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 02 ngành: Tài nguyên môi trường và ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...  khoảng 24.246 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng số chi từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, như đê kè, hồ chứa... là khoảng 18.480 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: Các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững...