Thu ngân sách những tháng cuối năm: Ngành Thuế quyết tâm "về đích" đúng hẹn

Phùng Tuấn

(Tài chính) Năm 2012 là một năm hết sức khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên cả nước. Mặc dù ngành Thuế đã tích cực và chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song các yếu tố tiêu cực đã tác động, làm giảm đáng kể nguồn thu trên cả nước. Từ nay đến hết năm 2012 chỉ còn gần chưa đầy 2 tháng, để nhiệm vụ thu ngân sách nhằm về đích đúng hẹn, ngành Thuế đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Ngành Thuế đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế
Ngành Thuế đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế
Hơn 11 tháng qua do khó khăn của nền kinh tế bị tác động bởi cuộc suy thoái toàn cầu, số lượng doanh nghiệp (DN) trong nước phá sản tăng mạnh, nhiều DN sản xuất cầm chừng, đình đốn; tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhất là những mặt hàng chủ lực không như mong đợi… khiến nhiệm vụ thu ngân sách gặp rất nhiều bất lợi. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các nguồn thu đều đạt thấp so với dự toán, cùng với đó, Chính phủ lại có các chính sách giãn, giảm, miễn thuế, nhằm hỗ trợ cho DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng lớn nên tiến độ thu ngân sách bị ảnh hưởng rất nhiều.

Từ nay đến cuối năm, chỉ chưa đầy 2 tháng, nhằm góp phần góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mới đây, Tổng cục Thuế đã phát động phong trào thi đua toàn Ngành trong cả nước với khẩu hiệu “Chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh khai thác mọi nguồn thu, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012”. Bên cạnh đó, hàng loạt giải pháp đã được ngành Thuế trong cả nước đưa ra nhằm đạt dự toán đề ra, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Có thể nhận thấy, một số giải pháp lớn sau đây:

Thứ nhất, tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với các buổi đối thoại thường niên giữa Bộ Tài chính hàng năm; định kỳ hàng quý, các cục thuế cần tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn để kịp thời nắm bắt và giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong sản xuất, kinh doanh, cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong thời gian qua, ngành Thuế đã thực hiện rất tốt công tác này. Có thể kể ra hàng loạt chương trình đối thoại với DN tiêu biểu như: chương trình “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, “Đối DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế” của Cục Thuế Hà Nội, “Tuần lễ lắng nghe ý kiến DN” của Cục Thuế tỉnh Hải Dương, “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” của Cục Thuế tỉnh Thái Bình... Những sự kiện đối thoại này đã thực sự thu hút được quan tâm và đánh giá rất

Tính đến hết tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng  4, 5 và 6/2012  cho 190.280 DN; giải quyết gia hạn 2.933 tỷ đồng nợ thuế TNDN cho 71.630 DN; giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 2.425 DN, với số tiền giảm là 250,3 tỷ đồng; giải quyết miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính

cao của cộng đồng DN. Cụ thể, phiếu xin ý kiến đánh giá của người nộp thuế cho thấy 78% đánh giá việc giải đáp của cơ quan thuế tại tỉnh Thái Bình là tốt, 22% còn lại đánh giá là khá. Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh, gần 75% ý kiến DN đánh giá chất lượng giải đáp của cơ quan thuế trong các chương trình là tốt... Với mục đích giải đáp những vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình chấp hành pháp luật thuế, góp phần cùng với địa phương trong việc hỗ trợ, giúp các tổ chức cá nhân trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, việc đối thoại và lắng nghe ý kiến người nộp thuế, DN đã thực sự tạo một ấn tượng tốt cũng như lòng tin cho người thuế trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là dịp mà mỗi cán bộ thuế tự kiểm điểm lại bản thân trong quá trình thực hiện công vụ - nhiệm vụ, từ đó nâng cao tinh thần phục vụ của người cán bộ, công chức thuế.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác phân tích, xác định và đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn, đến từng ngành, từng lĩnh vực; chủ động nắm bắt từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh để khai thác tăng thu. Các cục, chi cục thuế địa phương đã tăng cường rà soát, đánh giá lại các nguồn thu nhằm phân tích những yếu tố ảnh hưởng nguồn thu trên địa bàn, nhất là các nguồn thu không ổn định, làm rõ những khoản thu, sắc thuế còn thất thu, các nguồn thu còn tiềm năng như đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu đối với các khoản thu liên quan đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản... Đặc biệt, đã tập trung xác định lại diện tích đất thuê và lập hồ sơ thuê đất trình Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh ra quyết định cho thuê đất thời gian tiếp theo của một số đơn vị đã hết thời gian thuê đất, nhưng đang tiếp tục sử dụng đất cho mục đích kinh doanh để đôn đốc thu nộp. Tăng cường xử lý nợ đọng tiền thuê đất và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất thuê của tổ chức không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Các địa phương cũng đang đẩy mạnh kiểm tra diện tích đất thực tế sử dụng của hộ gia đình, cá nhân, vận động người dân có diện tích đất dôi dư làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để tăng thu đối với các trường hợp này...

Ba là, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn 100% so số cần phải kê khai nghĩa vụ thuế theo chế độ quy định; Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; Thường xuyên phối hợp, định kỳ thực hiện đối chiếu với cơ quan đăng ký kinh doanh và chính quyền sở tại để quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ người nộp thuế. Tập trung đôn đốc thu gọn thuế Thu nhập DN, Giá trị gia tăng được gia hạn khi đã đến hạn phải nộp, đồng thời tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá, phát sinh doanh thu của các DN để phối hợp đôn đốc kịp thời thuế phát sinh vào NSNN. Phát hành thông báo và đôn đốc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nộp ngân sách theo đúng thời gian quy định. Phối hợp rà soát địa bàn, phát hiện và tổ chức thu ngay đối với nguồn thu phát sinh mới, nguồn thu còn sót lọt nhằm bù đắp khoản hụt thu, đặc biệt là những đối tượng kinh doanh vãng lai, những dự án hoạt động khai thác khoáng sản...

Bốn là, tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các phương diện, các sắc thuế, loại thuế, đảm bảo đạt và vượt về mặt số lượng kế hoạch số DN thanh tra, kiểm tra. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra vừa đảm bảo đúng chính sách vừa thực sự có hiệu quả, huy động mọi nguồn nhân lực để thực hiện, đặc biệt là đối với các đơn vị có số thu đạt thấp. Các cục, chi cục thuế địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại những DN thuế giá trị gia tăng lớn, phát sinh lỗ kéo dài, DN có dấu hiệu chuyển giá, DN trây ỳ hoặc cố tình nợ đọng thuế.... Tổ chức kiểm tra thu kịp thời đối với những mặt hàng kinh doanh phát sinh lợi nhuận lớn do thu được từ việc sử dụng một số yếu tố đầu vào giá hiện còn thấp hơn giá thị trường như: thép, xi-măng, kinh doanh dịch vụ,...; Thực hiện thu kịp thời số tiền thuế truy thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ. Tăng cường xử lý hành vi chống chuyển giá; hành vi lợi dụng tăng giá nhằm thu lợi bất chính, định giá bất hợp lý, đầu cơ nâng giá... Tăng cường công tác quản lý nợ và thu hồi nợ đọng: tiếp tục tăng cường công tác đôn đốc thu, đảm bảo thu đủ số thuế DN kê khai, không để nợ mới phát sinh và xử lý dứt điểm các khoản nợ còn tồn đọng.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội đối với công tác thuế trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, cũng như nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ đối với NSNN. Theo đó, thực hiện mở rộng dịch vụ đăng ký thuế, khai thuế điện tử; hệ thống nhận tờ khai thuế qua mạng và kê khai thuế trực tuyến, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, kết nối thông tin giữa bốn ngành thuế - hải quan - kho bạc - tài chính tử trên tất cả các địa bàn. Đáng mừng là việc nộp thuế qua các ngân hàng thương mại đã và đang được triển khai là một bước mới trong cải cách thủ tục hành chính, tiến tới chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả hơn, giúp DN tiết kiệm được chi phí, thời gian và công sức; vừa giảm thiểu được rủi ro cho DN... Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh tại các địa phương. Đến nay, đã có hơn 400.000 DN sử dụng phần mềm HTKK để kê khai thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ nộp tờ khai thuế qua internet tại các thành phố lớn nhằm hỗ trợ cho người nộp thuế gửi tờ khai và các báo cáo. Đồng thời, có gần 170.000 DN tại 50 tỉnh, thành phố đăng ký kê khai thuế qua mạng, trong đó có 156.000 DN thực hiện kê khai với tổng số tờ khai thuế điện tử đã tiếp nhận và xử lý 3,32 triệu tờ khai...

Có thể nói, nhiệm vụ thu ngân sách hai tháng còn lại của năm rất nặng nề, song ngành Thuế vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành nghĩa vụ thu NSNN ở mức cao nhất. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự đồng lòng quyết tâm của cán bộ, công chức, ngành Thuế sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm 2012.

Tính đến tháng 10, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 40.120 lượt DN, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2011, qua đó phát hiện, xử lý truy thu, phạt, truy hoàn gần 7.180 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2011; thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.344 DN báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết,  với tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn và tiền phạt là 650,1 tỷ đồng; tổ chức thu hồi được gần 17.150 tỷ đồng tiền thuế nợ năm 2011 chuyển sang (chiếm 48,6% tổng số nợ thuế tính đến thời điểm 31/12/2011).

Nguồn: Bộ Tài chính