Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: Từ hoàn thiện pháp lý đến thực tiễn triển khai

LƯU HOÀNG - VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ - KHO BẠC NHÀ NƯỚC *

Thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước, Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ tập trung các khoản thu, thanh toán chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước. Thực hiện các nhiệm vụ trên, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã cùng với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các chủ trương về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính của Chính phủ, từ đó, góp phần đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu thời gian cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cùng với các đơn vị, cá nhân có liên quan đã triển khai thực hiện theo 22 thủ tục hành chính (TTHC) đã được Bộ Tài chính ban hành tại rất nhiều các văn bản khác nhau như: Các thông tư quy định về: thủ tục thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN; Thông tư quy định về thủ tục kiểm soát chi NSNN qua KBNN; Thủ tục về mở và sử dụng tài khoản của các đơn vị tại KBNN; Thủ tục kho quỹ của KBNN...

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đó, KBNN đã cùng với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đơn giản hóa TTHC theo các chủ trương về cải cách hành chính và kiểm soát TTHC của Chính phủ như: Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…). Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN.

Việc thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đã góp phần đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu thời gian cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện thu, chi NSNN qua KBNN. Cụ thể, đối với các thủ tục về thu nộp NSNN qua KBNN đã rút ngắn thời gian giao dịch nộp NSNN xuống còn khoảng 5 phút/1 giao dịch (so với trước đây là khoảng 30 phút/1 giao dịch); đối với thủ tục kiểm soát chi NSNN đã rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 - 4 ngày làm việc; đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đối với đề nghị chi NSNN qua KBNN. Đặc biệt, với việc tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của KBNN trên toàn quốc đã bước đầu thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ kiểm soát chi NSNN theo phương thức điện tử (từ khâu tiếp nhận hồ sơ điện tử, lưu trữ hồ sơ điện tử, đến trả kết quả điện tử); từ đó, một mặt tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư. Mặt khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch quá trình thực hiện kiểm soát chi của KBNN.

Những vướng mắc phát sinh cần hoàn thiện

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN cũng phát sinh một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cho phù hợp với các quy định pháp lý mới được ban hành cũng như tình hình thực tế, cụ thể:

- Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì không được quy định TTHC tại các Thông tư do Bộ ban hành, trừ trường hợp được quy định trong Luật; đồng thời, theo Luật NSNN năm 2015, Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thu, chi NSNN, song Luật NSNN năm 2015 lại chưa quy định cụ thể việc giao cho Bộ Tài chính được phép ban hành các quy trình, thủ tục liên quan đến các lĩnh vực thu, chi NSNN. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy trình thủ tục về thu, chi NSNN qua KBNN để đáp ứng theo các yêu cầu quản lý mới đều phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Bên cạnh đó, việc bải bỏ TTHC trong lĩnh vực kho quỹ cho phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí mới được ban hành...

- Trong thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN như: Chưa phân định rõ trách nhiệm giữa KBNN với các đơn vị sử dụng NSNN và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện một số thủ tục về kiểm soát chi NSNN qua KBNN; chưa có những quy định mang tính ràng buộc (khuyến khích) đối với các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc áp dụng/sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các TTHC về thu, chi NSNN qua KBNN, nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử theo chủ trương chung của Chính phủ.

Trước tình hình đó, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động nghiệp vụ của KBNN phù hợp với các mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, quan điểm chung khi xây dựng Nghị định là kế thừa và phát huy những mặt tích cực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của việc ban hành và triển khai thực hiện bộ TTHC thuộc lĩnh vực KBNN thời gian qua; đồng thời, tiếp tục rà soát, cải tiến, đơn giản hóa, chuẩn hóa các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN để vừa đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý thu, chi NSNN theo các quy định hiện hành, vừa phù hợp với thực tiễn và khả năng áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. 

Điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Với quan điểm đó, dự thảo Nghị định đã có một số điểm thay đổi căn bản theo hướng cải cách cụ thể như sau:

Thứ nhất, bãi bỏ 7 TTHC không còn phù hợp với tình hình thực tế hoặc không còn căn cứ pháp luật để thực hiện bao gồm: (i) 02 TTHC thuộc lĩnh vực mở và sử dụng tài khoản của các đơn vị tại KBNN, do có thay đổi liên quan đến cơ chế quản lý NSNN (thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư dự toán, số dư tạm ứng NSNN đề nghị xét chuyển sang năm sau; thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư dự toán, số dư tạm ứng NSNN được chuyển năm sau, không phải xét chuyển); 02 TTHC thuộc lĩnh vực kho quỹ để phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí; 03 TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, do được lồng ghép vào các thủ tục khác hoặc không còn được thực hiện (thủ tục thanh toán vốn Chương trình 5 triệu ha rừng; thủ tục thanh toán vốn Chương trình 135 giai đoạn II; thủ tục về kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn).

Thứ hai, thực hiện rà soát, đơn giản hóa các TTHC; đồng thời, bãi bỏ một số thành phần hồ sơ không cần thiết và giảm thời hạn giải quyết tại tất cả các TTHC nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị, cụ thể:

- Đối với các TTHC thuộc lĩnh vực thu NSNN qua KBNN đã quy định rõ thời hạn giải quyết tối đa là không quá 30 phút kể từ khi KBNN (hoặc ngân hàng hoặc cơ quan thu) nhận được đủ hồ sơ hợp lệ và tiền (trường hợp nộp tiền mặt) của người nộp NSNN; đồng thời, bỏ yêu cầu người được hoàn trả phải xuất trình chứng từ nộp NSNN đã nộp trước khi thực hiện việc hoàn trả các khoản thu.

- Đối với các TTHC thuộc lĩnh vực chi NSNN qua KBNN:

+ Bổ sung và sửa đổi quy trình thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN như: Bổ sung thêm phương thức gửi hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và Trang thông tin dịch vụ công của KBNN để tăng thêm lựa chọn cho các đơn vị trong quá trình gửi hồ sơ kiểm soát chi đến KBNN; bổ sung phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc thanh toán trước kiểm soát sau nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn NSNN qua KBNN, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; nâng mức giá trị được sử dụng bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng thay cho việc gửi các chứng từ chi tiết đến KBNN để đơn giản hóa hồ sơ và tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng NSNN).

+ Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính. Về cơ bản, các thủ tục đều được quy định cụ thể thời gian thực hiện; đồng thời, giảm từ 1 - 2 ngày so với quy định hiện hành.

+ Bãi bỏ một số thành phần hồ sơ không cần thiết; đồng thời, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cấp. Cụ thể, đối với chi thường xuyên đã bãi bỏ tổng cộng gần 20 hồ sơ có liên quan đối với các khoản chi (như quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp có thẩm quyền; quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; dự toán đoàn đi công tác nước ngoài; quyết định cử đi công tác nước ngoài; lịch công tác; phiếu báo giá vé máy bay kèm hồ sơ đặt chỗ; giấy mời của phía nước ngoài; ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính/Thường trực hội đồng nhân dân đối với trường hợp mua xe ô tô chuyên dùng); biên bản nghiệm thu, bàn giao tiếp nhận tài sản; báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán; bảo lãnh tạm ứng; biên bản thanh lý hợp đồng, bàn giao kết quả công việc hoàn thành và báo cáo quyết toán chi phí khối lượng hoàn thành được nghiệm thu  đối với khoản chi quy hoạch; báo cáo tiến độ thực hiện khối lượng và dự toán của nhiệm vụ, dự án quy hoạch; bảng kê tiền trợ cấp đối tượng thụ hưởng…); đối với chi đầu tư đã bải bỏ tổng cộng gần 10 hồ sơ có liên quan đối với các khoản chi (như quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...

- Đối với các TTHC thuộc lĩnh vực mở và sử dụng tài khoản tại KBNN: Bổ sung phương thức gửi hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và Trang thông tin dịch vụ công của KBNN; rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục từ 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ hợp pháp của đơn vị; bỏ thành phần hồ sơ “Giấy chứng nhận cấp mã số đơn vị giao dịch với KBNN do KBNN cấp”.

Thứ ba, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. Trong đó, đặc biệt là các TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN đã quy định theo hướng phân quyền để tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị như: Đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy trình, hình thức, kết quả lựa chọn nhà thầu; tính chính xác của đơn giá, khối lượng, giá trị đề nghị thanh toán; tiêu chí kỹ thuật, số lượng của tài sản mà đơn vị mua sắm theo quy định; bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng; bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng; thực hiện ký hợp đồng với nhà cung cấp phù hợp với quy định phê duyệt kết quả đấu thầu của cấp có thẩm quyền; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với quy định về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị…

Dự kiến, Nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2018, trên cơ sở đó, KBNN cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành một số Thông tư để hướng dẫn triển khai thực hiện. Với việc xây dựng và ban hành Nghị định về TTHC trong lĩnh vực KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp đơn vị giao dịch, cá nhân giảm thiểu thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục về thu, chi NSNN qua KBNN. Đối với KBNN, Nghị định được ban hành sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng, giúp cho hệ thống KBNN thực hiện tốt chức năng quản lý Quỹ NSNN đã được Chính phủ và Bộ Tài chính giao; đồng thời, đáp ứng các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển KBNN trong giai đoạn 2021 – 2030.