Thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Chính phủ đã và đang nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN. Trong đó việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thể chế, cơ chế quản lý DNNN và chuyển đổi DNNN đã được ban hành khá đồng bộ. DNNN có giảm về số lượng, nhưng DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

Nhiều tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) kinh doanh có lãi, là chủ lực trong việc bảo đảm các cân đối lớn, có vai trò giúp Nhà nước trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế; thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đầu tư những dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước, mặc dù hiệu quả về kinh tế thấp nhưng hiệu quả về xã hội rất lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa đủ khả năng làm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Công tác quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn bất cập.

Một số TĐ, TCT kinh doanh thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai thấp. Một số lãnh đạo TĐ, TCT có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây lãng phí.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng những hành vi vi phạm pháp luật gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước, để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, thắt chặt tiền tệ và đầu tư để chống lạm phát, thị trường bị thu hẹp, các TĐ và TCT nhà nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã và đang nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN. Đề án với mục tiêu làm cho DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh; làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tái cơ cấu TĐ, TCT nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số TĐ kinh tế, TCT nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt chú trọng đến khung pháp lý đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đổi mới phương thức quản lý, thực hiện có hiệu quả cổ phần hoá DNNN.

Tính đến tháng 8-2012 đã có 53 TĐ, TCT xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 9 TĐ, TCT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Các TĐ, TCT đang tích cực thực hiện các biện pháp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Công tác sắp xếp lại, cổ phần hoá DNNN đang được tiếp tục triển khai thực hiện. Tính đến hết tháng 7-2012, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.857 DNNN và bộ phận DNNN, trong đó: Cổ phần hoá 3.952 DNNN, chiếm 67,4% tổng số DNNN (khối Trung ương là 1.658 doanh nghiệp, khối địa phương 2.294 doanh nghiệp). Các hình thức sắp xếp khác, như chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sáp nhập, hợp nhất, giao, bán... là 1.905 DNNN. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2011-2015 sẽ thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá đối với 899 DNNN, riêng năm 2012 là 93 DNNN.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp tự chủ hoạt động theo thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 11-6-2012 phê duyệt Đề án Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường. Trong đó, có các nội dung về đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp; quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, trọng tâm là công ty mẹ của các TĐ kinh tế, TCT nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2012 các TĐ, TCT nhà nước đã triển khai mạnh mẽ nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tiết giảm từ 5% đến 10% chi phí quản lý. Tổng số tiền tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 các TĐ, TCT nhà nước đã đăng ký là 12.548,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng chi phí đã thực hiện tiết giảm được theo báo cáo của các TĐ, TCT là 4.433 tỷ đồng.

Hiện các TĐ, TCT đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh các dự án cho phù hợp với khả năng huy động vốn, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách và không làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho lĩnh vực kinh doanh chính; tiết giảm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, mua sắm tài sản, điều chuyển vốn hợp lý... để tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí theo kế hoạch.