Thực hiện Chiến lược Tài chính năm 2014: Đảm bảo và vượt mục tiêu

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

(Taichinh) - Trong giai đoạn 2011 - 2015, việc thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 của ngành Tài chính đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoàn thành tiến độ 25 đề án

Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 18/4/2012, trong đó đề ra mục tiêu tổng quát, 6 nhiệm vụ cụ thể và 8 nhóm giải pháp trong giai đoạn 2011 - 2020. Để thực hiện các mục tiêu và giải pháp này, ngày 30/01/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BTC phê duyệt Chương trình hành động của ngành Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 với 82 đề án. Đồng thời, Kế hoạch hành động trung hạn triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 (Tài liệu MTAP 2014 - 2016) cũng đã được ban hành tại Quyết định số 304/QĐ-BTC ngày 17/02/2014.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tính đến cuối năm 2014, đã có 31 đề án được triển khai. Trong đó có 25 đề án đã hoàn thành như: Đề án triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Hải quan năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… Cũng trong năm 2014, có thêm hai đề án bổ sung mới là Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, Đề án xây dựng chính sách động viên từ đất đai.

Tuy nhiên, có một số đề án phải điều chỉnh tiến độ như: Đề án nâng cao vị thế độc lập của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán; Đề án cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước; Đề án xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Đề án hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước do phụ thuộc vào Hiến pháp năm 2013, tiến độ trình của các dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tiến độ ban hành của các Luật, đề án khác, cũng như tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị phối hợp.

Đặc biệt một đề án đã được đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch MTAP là Luật Phí, lệ phí đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội.

Bám sát định hướng, đảm bảo lộ trình

Việc triển khai thực hiện các đề án trong năm 2014 đã bám sát các định hướng đề ra, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng theo lộ trình đã xác định trong MTAP 2014 - 2016.

Trước hết, ở cả 8 nhóm giải pháp, Bộ Tài chính luôn tích cực xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như trực tiếp ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện để không ngừng tạo hành lang pháp lý phù hợp, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành vì thế các nhóm giải pháp đều đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với một số chỉ tiêu đảm bảo hoặc vượt mục tiêu đề ra như: Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, sử dụng dịch vụ thuế điện tử của doanh nghiệp, tờ khai thuế đã nộp/tổng tờ khai thuế phải nộp, tổng doanh thu ngành bảo hiểm, thu nội địa. Bên cạnh đó, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm được bảo đảm...

Điển hình như nhóm giải pháp số 1 về nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia, Bộ Tài chính bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN (thu NSNN năm 2014 ước đạt 858,053 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 21,6% GDP và bằng 109,6% dự toán), đã huy động trái phiếu chính phủ đạt trên 248,024 nghìn tỷ đồng; lãi suất, kỳ hạn, tần suất phát hành được điều hành linh hoạt, quy trình giao dịch trái phiếu được rút ngắn; tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất 4,8%; hoàn thành đàm phán, tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định vay nợ, viện trợ với tổng trị giá cam kết là 3,7 tỷ USD... góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hơn nữa, nhóm giải pháp số 8 về cải cách hành chính trong các lĩnh vực của ngành đều được đẩy mạnh, có nhiều bước chuyển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, như cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã có 63/63 cục thuế và trên 300 chi cục thuế trực thuộc triển khai hệ thống khai thuế qua mạng, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 97%, tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp/tổng tờ khai thuế phải nộp đạt 91%, tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn đạt 100%, tỷ lệ tờ khai thuế được kiểm tra tự động đạt 94%, vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế có hiệu lực (ngày 01/01/2015) sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm; Trong lĩnh vực hải quan, với việc triển khai áp dụng cơ chế hải quan một cửa quốc gia và thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu bằng việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc cũng đã vượt mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020. Đồng thời, đã triển khai và vận hành hệ thống TABMIS tại 63 tỉnh, thành phố trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước...

Như vậy, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Bộ Tài chính triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trong năm 2014 của giai đoạn 2011 - 2015. Những kết quả đạt được này là đòn bẩy quan trọng để ngành Tài chính tiếp tục bước sang kế hoạch hành động mới - Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2015 - 2017 trong triển khai Chiến lược Tài chính đến năm 2020./.