NGÀNH TÀI CHÍNH:

Thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

PV.

(Tài chính) Đó là những mục tiêu quan trọng mà Ngành Tài chính đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ về công tác quản lý thu - chi NSNN và điều hành kinh tế xã hội trong tháng 2/2015.

Mọi miền quê của Tổ quốc tràn ngập trong sắc màu  của trù phú, ấm no. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mọi miền quê của Tổ quốc tràn ngập trong sắc màu của trù phú, ấm no. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát:

a. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

- Ngành đã hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2015 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đã  hướng dẫn việc tổ chức thực hiện dự toán và thẩm định việc phân bổ, giao dự toán của các đơn vị dự toán cấp I theo quy định. Đến nay, các bộ, cơ quan trung ương cũng đã hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2015 đến các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; các địa phương đã hoàn thành việc quyết định dự toán NSNN năm 2015 của địa phương. 

- Đã quán triệt cơ quan Thuế, Hải quan  tập trung, thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu...

- Bộ Tài chính đã có công văn số 1438/BTC-QLCS ngày 29/01/2015 hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mua sắm từ ngân sách theo Nghị quyết số 01 trên tinh thần triệt để tiết kiệm.

b) Về tăng cường kiểm soát thị trường giá cả: 

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tập trung quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất mùi 2015 theo đúng Chỉ thị số 36/CT-TTg  ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 6/1/2015 yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và tất cả các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính từ trung ương đến địa phương tăng cường các mặt công tác trong dịp Tết cổ truyền; đồng thời có các báo cáo từ số 11/BC - BTC ngày 15/2 đến số báo cáo 19/BC-BTC ngày 25/2/2015 gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

(2) Trong tháng 02/2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương đã ban hành 2 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước ổn định trong dịp Tết Ất Mùi vào ngày 5/2/2015 và ngày 24/2/2015, trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán, điều chỉnh mức trích lập Quỹ Bình ổn giá, cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng (dầu).

(3) Tiếp tục đôn đốc, theo dõi các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1079/QĐ-BTC và 6544/BTC-QLG ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

(4) Theo báo cáo kết quả kiểm tra và nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 1723/BTC-QLG ngày 3/2/2015 về tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công văn số 1829/BTC-QLG ngày 4/2/2015 tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh:

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; trên cơ sở đó đang khẩn trương hoàn thiện thông tư  hướng dẫn Nghị định trên nhằm sớm đưa chính sách vào cuộc sống. 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có công văn số 2602/BTC-PC ngày 25/02/2015 gửi Văn phòng Chính phủ để tham mưu với Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

3. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng:

Đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để phát triển thị trường lành mạnh; tổ chức xây dựng các dự thảo Nghị định (Nghị đinh về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp và Nghị định về giám sát, dánh giá hiệu quả và công khai thông tin và hoạt động của DNNN )  hướng dẫn Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp để trình Chính phủ sớm đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

4. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, trong tháng 02/2015, NSNN đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2015.  Bên cạnh đó, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp trên 13 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2015.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí và một số nhiệm vụ khác:

Tại thông tư số 211/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014, Bộ Tài chính cũng đã quy định, yêu cầu các Bộ, CQTW và địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý, sử dụng NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; đồng thời xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí....