Thực trạng và giải pháp Cải cách thủ tục hành chính thuế

NCS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Các kết quả khảo sát cho thấy, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua đã đạt được điểm số rất cao, thể hiện ở sự hài lòng của đông đảo người nộp thuế. Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 là 75%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn tồn tại những hạn chế, đòi hỏi hệ thống thuế phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự hài lòng của người nộp thuế đã tăng lên đáng kể

Để đo lường mức độ hài lòng của người nộp thuế đối với dịch vụ của cơ quan thuế, năm 2016, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp (DN) đối với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế theo 5 khía cạnh, đó là: (i)Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và TTHC thuế; (ii) Thực hiện các TTHC thuế; (iii) Thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại thuế; (iv) Sự phục vụ của công chức thuế; (v) Kết quả giải quyết công việc.

Đối tượng tham gia khảo sát là các DN đang hoạt động ở 63 tỉnh, thành phố, được lựa chọn ngẫu nhiên phân tầng theo các tiêu chí là loại hình DN, thời gian thành lập DN và lĩnh vực hoạt động... Đánh giá cho thấy, sự hài lòng của DN năm 2016 là 75%. So với cuộc khảo sát năm 2014, tất các các chỉ số thành phần đều tăng. Điển hình như:

- Về chỉ số tiếp cận thông tin quy định về thuế và TTHC thuế: Điểm số chung về chỉ số tiếp cận thông tin năm 2016 là 7,73 điểm, tăng so với năm 2014 (là 7,45 điểm). Phần lớn các DN hài lòng với những thông tin quy định thuế và TTHC thuế mà họ đã tiếp cận. So sánh với kết quả cuộc khảo sát năm 2014, có thể thấy cơ quan thuế đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc công khai, minh bạch thông tin về chính sách, quy trình, TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho DN.

- Về chỉ số thực hiện TTHC thuế: Điểm số chung về chỉ số thực hiện TTHC thuế năm 2016 là 7,9 điểm tăng so với cuộc khảo sát năm 2014 (là 7,73 điểm). DN được khảo sát cung cấp thông tin về việc thực hiện 7 nhóm TTHC thuế thông thường, từ đăng ký thuế/đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, mua/báo cáo sử dụng hóa đơn, báo cáo sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN. Trong các TTHC thuế mà DN phải thực hiện, hai loại thủ tục có tỷ lệ DN đánh giá cao là thủ tục miễn giảm thuế (69%) và hoàn thuế (60%).

- Về chỉ số thanh tra, kiểm tra thuế: Điểm số chung về chỉ số thanh tra, kiểm tra thuế năm 2016 là 7,73 điểm, tăng so với cuộc khảo sát năm 2014 (là 7,49 điểm).

- Về chỉ số đánh giá Sự phục vụ của cán bộ, công chức thuế: Điểm số chung về chỉ số sự phục vụ của cán bộ thuế năm 2016 là 6,36 điểm, tăng so với năm 2014 (là 5,36 điểm). Sự phục vụ của cán bộ công chức thuế được đánh giá theo 3 nhóm chỉ tiêu thành phần là: Chất lượng công chức, sự am hiểu chuyên môn và sự thành thạo kỹ năng làm việc. Theo đó, có 53% DN đánh giá tốt/rất tốt cán bộ thuế hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và tuân thủ đúng quy trình giải quyết công việc (tăng 9% so với 2014); Tỷ lệ cán bộ thuế am hiểu chuyên môn nghiệp vụ cũng được DN đánh giá cao ở các bộ phận như Kê khai kế toán thuế (67%); Thanh tra, kiểm tra thuế (65%); Quản lý nợ và cưỡng chế cũng đạt (60%).

- Về chỉ số đánh giá về kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế: Việc đánh giá kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế được thực hiện thông qua các chỉ số đánh giá trực tiếp và chỉ số tổng hợp. Khảo sát năm 2016 tiếp tục đề nghị các DN cho biết về tình trạng chi trả chi phí không chính thức khi tiếp xúc với cán bộ thuế. Theo kết quả khảo sát, có 34% DN cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức. Điểm số chung về chỉ số Kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế năm 2016 là 7,78 điểm, tăng so với năm 2014 (là 7,53 điểm).

Mặc dù, sự hài lòng của NNT đã tăng lên đáng kể, song tiến trình cải cách TTHC thuế vẫn tồn tại một số hạn chế như: Văn bản hướng dẫn về thuế còn “ôm đồm” các chính sách xã hội, quản lý kinh tế… cũng như tập trung quá nhiều vào việc “đóng” các kẽ hở nhỏ, ngăn chặn các DN lợi dụng sự thông thoáng của việc thành lập DN để gian lận thuế.

Bên cạnh đó, một bộ phận NNT chưa nghiêm túc chấp hành chính sách pháp luật thuế, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý, sử dụng hóa đơn, thành lập DN để trốn thuế, trục lợi tiền thuế (từ năm 2011- 2013, đã có 10.373 vụ vi phạm pháp luật về thuế bị xử lý). Hiện nay, cơ quan Thuế vẫn chưa có chức năng thanh tra hành chính, nên hoạt động kiểm tra, phát hiện, răn đe đối với các hành vi vi phạm của công chức trong thực thi công vụ chưa hiệu quả…

Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế

Mục tiêu của cải cách quản lý thuế đến năm 2020 là hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, TTHC theo định hướng chuẩn mực quốc tế; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; Kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế;

Nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược trên, cần tập trung xử lý đồng bộ những vấn đề sau:

Thứ nhất, về thể chế. Nguồn gốc của hệ thống TTHC cùng các biểu mẫu kê khai bắt nguồn từ quy định tại các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện. Do vậy, trước hết phải rà soát các nội dung, chính sách bất cập, thiếu rõ ràng, minh bạch, đồng bộ thuộc thẩm quyền các các cấp ban hành, để đề xuất kiến nghị phương án xử lý...

Thứ hai, về TTHC thuế. Song song với hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, TTHC cũng cần theo hướng chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, ngành Thuế không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; Kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế; Nâng cao năng lực hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế… Áp dụng đồng bộ cả việc nộp tờ khai thuế và nộp thuế điện tử. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân loại rủi ro, đồng thời chuyển đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo điều kiện thuận lợi và giảm phiền hà cho người nộp thuế…

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển đại lý thuế. Cần thực hiện giải pháp thực hiện các thủ tục về thuế như: Tính thuế, kê khai, quyết toán thuế thông qua đại lý thuế là hợp lý nhất.

Thứ tư, về nguồn nhân lực cán bộ công chức thuế. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ thuế có trình độ về nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ để đảm nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là vấn đề chống chuyển giá còn yếu và thiếu nghiêm trọng. Để khắc phục được tình trạng này, cần có bước đột phá trong cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức thuế để thu hút nhân tài, hạn chế tình trạng tiêu cực.  

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/06/2010, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Thủ tướng chính phủ;

2. Quyết định 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, Quyết định số 420/QĐ-BTC ngày 03/3/2014;

3. Thông tư số 119/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản TTHC thuế;

4. Website: http://www.gdt.gov.vn