Ngành Tài chính:

Tích cực, chủ động trong điều tiết ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội

PV.

(Taichinh) - Công tác huy động vốn, quản lý nợ công được thực hiện chủ động, tích cực và linh hoạt; công tác quản lý giá góp phần kiềm chế lạm phát.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Về huy động vốn

Nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015 tuy thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn hết sức nặng nề với tổng kế hoạch huy động là 250.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/6/2015, đã phát hành gần 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (bao gồm 1 tỷ USD TPCP tương đương 21.458 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam) để bù đắp bội chi NSNN và cho ĐTPT, bằng khoảng 36,8% kế hoạch. Nhiệm vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu cũng được KBNN thực hiện đầy đủ, đúng hạn cho các nhà đầu tư với số tiền là 120.497,04 tỷ đồng.

Công tác phát hành TPCP từ giữa tháng 3/2015 trở lại đây gặp khó khăn, nhiều phiên đấu thầu không thành công, khối lượng dự thầu và khối lượng trúng thầu thấp, lãi suất có xu hướng tăng (trong tháng 6, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng 95 điểm đối với kỳ hạn 5 năm, 112 điểm kỳ hạn 10 và 4 điểm kỳ hạn 15 năm).

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do: (i) Việc chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài, qua đó giảm sức "hấp dẫn" của trái phiếu Chính phủ; (ii) Nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ chủ yếu là các ngân hàng thương mại; trong điều kiện tăng trưởng tín dụng tốt hơn, các ngân hàng này có xu hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm cầu đối với trái phiếu Chính phủ để đảm bảo cân đối thanh khoản; tỷ giá có sự biến động ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Về quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia

Thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ nợ công đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công (Đã ban hành Thông báo số 234/TB-BTC ngày 5/4/2015 phân công thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015; tổ chức thực xây dựng Đề án và triển khai rà soát và đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công; dự thảo văn bản hướng dẫn về tăng cường cho vay lại vốn vay nước ngoài đối với chính quyền địa phương; rà soát, sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 02/CT-TTg trong đó tăng cường quản lý, thắt chặt điều kiện và đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ). Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 27/03/2015 phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ năm 2015.

Trong quá trình điều hành, đã đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán; thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2015, đã hoàn tất và ký kết Hợp đồng cho vay lại và Hiệp định vay phụ cho vay lại với tổng trị giá 275,82 triệu USD; số thực hiện trả nợ nước ngoài là 733,156 triệu USD. Thực hiện đầy đủ công tác công khai thông tin về nợ công theo tinh thần của Luật Quản lý nợ công và tăng cường thông tin nhằm cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ theo nguyên tắc không tăng thêm dư nợ công, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường vốn, tiếp tục nghiên cứu khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế trong trung hạn. Quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo không vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65%GDP), đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

3. Tăng cường quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chế độ về quản lý giá (Như: TTLT số 23/2015/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 12/2/2015 của Bộ Tài chính- Bộ NN&PTNT hướng dẫn về phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa hàng hóa các vụ sản xuất trong năm; Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; TTLT số 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 3/3/2015 của Bộ Tài chính- Bộ NN&PTNT về hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá) và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và đơn vị thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn giá trước và sau dịp tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 (Chỉ số giá tiêu dùng cả nước dịp Tết Ất Mùi 2015 tăng thấp nhất so cùng kỳ trong 13 năm qua (CPI tháng 1/2015 và tháng 2/2015 lần lượt giảm 0,2% và 0,05%); tháng 4/2015 tăng 0,14%; tháng 5/2015 tăng 0,16%; tháng 6/2015 tăng nhẹ so với tháng 5/2015 tạo thuận lợi thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2015 ở mức 5,0%) . Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giá, cơ chế quản lý giá điều hành giá của Nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện (Giá điện bình quân tăng thêm 7,5% (từ 1.508,85 đ/kwh lên 1.622,01 đ/kwh- chưa bao gồm thuế VAT). Thời gian thực hiện mức giá mới từ 16/3/2015), than (Giá than: đối với giá bán than cho các hộ (trừ điện) được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, mức giá bán trong nước được điều chỉnh thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10%. Đối với giá than bán cho điện tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, được điều chỉnh tăng 2 lần, theo đó hiện bằng 86-91% giá than xuất khẩu cùng chủng loại), xăng dầu (Được liên Bộ Tài chính- Công thương điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu thế giới, sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính (sử dụng quỹ BOG và thuế nhập khẩu) nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Đồng thời, để việc tăng thuế BVMT từ ngày 1/5/2015 không làm tăng lớn giá bán lẻ các mặt hàng này, Bộ Tài chính đã chủ động điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (giảm từ 7-15% tùy mặt hàng). sữa (Bộ Tài chính yêu cầu áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó quy định thời hạn áp dụng BOG sữa được thực hiện từ ngày 01/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016; đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa tiếp tục thực hiện theo mức giá tối đa đã được cơ quan quản lý giá xác định và công bố). Giám sát kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn NSNN; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá; tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2015.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết...gắn với kiểm tra, kiểm soát thị trường (nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (
Thanh tra về thu các loại phí theo cước vận tải biển và việc việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các hãng tàu biển và đại lý tàu biển; kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu tại thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối; kiểm tra cước vận tải hàng hóa hành khách bằng xe ô tô tại 12 doanh nghiệp thuộc 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ).

Với những giải pháp trên đã có tác động tích cực, chỉ số giá 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,35% so với tháng 12/2014, thấp hơn cùng kỳ của nhiều năm trước.

4. Đảm bảo an sinh xã hội

Công tác tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ASXH và phúc lợi xã hội trong 6 tháng đầu năm 2015 đã được triển khai tích cực, chủ động. NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán; bố trí kịp thời chi cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chi các sự nghiệp GD-ĐT, y tế, văn hoá, đảm bảo xã hội; phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...; đảm bảo nguồn để chi trả đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Căn cứ quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương (tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3/2015), Bộ Tài chính xác định mức và nhu cầu kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách do giá điện tăng, dự kiến mức NSNN hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách khoảng 49.000 đồng/hộ/tháng, tăng 3.000 đồng/hộ/tháng so với mức hỗ trợ trước, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách năm 2015 tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để kịp thời xuất cấp hàng, đã thực hiện xuất cấp gần 58.434 tấn gạo, trị giá khoảng 554 tỷ đồng (trong đó: 13.063 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; 15.051 tấn gạo cho nhân dân để cứu đói giáp hạt, thiên tai, hạn hán; 1.430 tấn gạo hỗ trợ dự án trồng rừng; 28.889 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ II năm học 2014-2015 tại các trường có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm học 2014-2015) góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Các mặt hàng đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, kịp thời hỗ trợ phòng chống, khắc phục dịch bệnh sởi lây lan cho người dân và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo và làm nhiệm vụ quan hệ quốc tế.