Tiền đề để điện tử hóa hoạt động hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Luật Hải quan sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và Hệ thống VNACCS/VCIS được xem là những tiền đề quan trọng để ngành Hải quan hiện thực hóa các mục tiêu về thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT).

Cán bộ Hải quan Hải Phòng xử lý tờ khai trên hệ thống VNACCS/VCISS. Nguồn: baohaiquan.vn
Cán bộ Hải quan Hải Phòng xử lý tờ khai trên hệ thống VNACCS/VCISS. Nguồn: baohaiquan.vn
Phổ cập hải quan điện tử

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Luật Hải quan sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lí quan trọng cho hoạt động hiện đại hóa hải quan; áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Với mục tiêu như vậy, nên Luật đưa ra quy định phương thức thực hiện thủ tục hải quan sẽ được chuyển đổi căn bản từ truyền thống, bán điện tử sang điện tử.

Việc thực hiện TTHQĐT là phương thức căn bản để giảm bớt thời gian và chi phí làm thủ tục hải quan cho cả người khai hải quan và cơ quan Hải quan, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng. Do đó, Khoản 2 Điều 29 Luật Hải quan sửa đổi quy định việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định.

Để phù hợp với việc thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử, Điều 25 Luật Hải quan sửa đổi quy định đối với trường hợp khai hải quan điện tử, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Theo đó đối với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra hồ sơ thì chưa phải nộp hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Nhằm bảo đảm tính minh bạch và tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quá trình hiện đại hoá chế độ quản lí hải quan, Luật Hải quan sửa đổi cũng quy định thủ tục hải quan đối với các loại hình hàng hóa, theo đó: Các loại hình XNK có chung bản chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục hải quan, đồng thời bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa chưa được quy định trong luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương mại và các Luật thuế quy định như: Nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hoá XK; một số loại hình tạm XK, tạm NK...

Về đích sớm các mục tiêu về TTQHĐT

Bên cạnh tiền đề quan trọng là khung khổ pháp lí từ Luật Hải quan sửa đổi, việc thực hiện TTHQĐT còn có điều kiện thuận lợi khác là Hệ thống VNACCS/VCIS.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê Hải quan, Phó trưởng Ban Thường trực Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) cho biết, với việc hoàn thành áp dụng chính thức Hệ thống thông quan hiện đại này trong toàn Ngành, Hải quan Việt Nam đã về đích sớm nhiều mục tiêu quan trọng về TTHQĐT được đặt ra trong Chiến lược Phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020.

Theo Chiến lược, đến năm 2015, TTHQĐT phải được áp dụng ở 100% Cục Hải quan, 100% chi cục tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), 60% DN thực hiện; đến năm 2020, TTHQĐT được thực hiện ở 100% Cục Hải quan, 100% chi cục, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch XNK, 80% DN thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, với việc áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS, hiện nay 100% Cục Hải quan địa phương và 100% chi cục trong cả nước đã chính thức thực hiện TTHQĐT. Đến ngày 5-7-2014, về phía DN, có hơn 82.000 người đăng kí sử dụng trên Hệ thống (1 DN có thể có nhiều người đăng kí sử dụng); về phía cơ quan Hải quan có hơn 10.000 người đăng kí sử dụng; tổng số tờ khai thực hiện sau 3 tháng triển khai chính thức đạt hơn 1 triệu bộ… Như vậy, các mục tiêu quan trọng đặt ra đối với thực hiện TTHQĐT đến năm 2020 đã được ngành Hải quan hoàn thành trong năm 2014.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với ngành Hải quan là nâng cao hiệu quả của TTHQĐT nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lí của cơ quan Hải quan góp phần xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lí dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lí rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.