Tiến tới kho bạc số với "3 không"

Nhật Tân

Trong nửa đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ký thỏa thuận phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với một số ngân hàng thương mại cổ phần. Việc hợp tác này được đánh giá sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN).

Đại diện KBNN và SeaBank ký kết thoả thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử
Đại diện KBNN và SeaBank ký kết thoả thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử

Điện tử hóa các giao dịch thu ngân sách nhà nước

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong những năm vừa qua, KBNN đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước.

Đến nay, có gần 70% số thu NSNN đã thực hiện qua các ngân hàng thơng mại được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.

Những cải cách trên nhằm hướng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN là xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.

Đối với công tác tập trung các khoản thu NSNN vào KBNN, cùng với việc đổi mới, hiện đại hóa, KBNN đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Chương trình quản lý thu NSNN để kết nối, trao đổi, thống nhất thông tin, dữ liệu điện tử về thuế, phí, lệ phí giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản và phối hợp thu.

Mặt khác, KBNN đã phối hợp với các cơ quan trong việc phát triển và đa dạng hoá các phương thức thu NSNN hiện đại bên cạnh phương thức truyền thống là nộp tiền mặt và chuyển khoản tại trụ sở ngân hàng như: thu NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng thương mại…

Với các giải pháp này, đến nay gần 70% số thu NSNN đã thực hiện qua các ngân hàng thơng mại được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo thuận lợi hơn nữa cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc nộp NSNN, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận chủ trương mở rộng việc phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các ngân hàng thương mại cổ phần. Chủ trương này phù hợp với Chiến lược phát triển của KBNN và các ngân hàng, đồng thời người dân, doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng.

Theo đó, KBNN đã phối hợp mở, sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu với VPBank, SeaBank, SHB và Techcombank. Đây là những ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Bộ Tài chính về hợp tác thu NSNN và thanh toán song phương điện tử.

Thông qua đó, toàn bộ khoản thu ngân sách qua các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản chuyên thu của Kho bạc tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào NSNN và truyền thông tin về khoản thu nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.

Việc hợp tác giữa KBNN và các ngân hàng thương mại cổ phần được đánh giá mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho cả người nộp ngân sách, ngân hàng và KBNN, cụ thể với người nộp NSNN thì sẽ được cung cấp các dịch vụ nộp NSNN đa dạng, hiện đại theo hướng số hóa và tự động hóa tối đa.

Đối với KBNN, các khoản thu được tập trung nhanh, kịp thời hơn vào NSNN, không phải qua các khâu trung gian; đồng thời, thông qua việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử về thu NSNN và ủy nhiệm thu cũng giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu NSNN tại KBNN, tạo tiền để để triển khai các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại, giúp KBNN tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.