Tiếp thêm lực đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Bùi Dương

Ngày 03/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 15/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (còn được gọi là Tổ công tác 66). Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác. Các Tổ phó Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Tổ phó thường trực); ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
Tổ công tác 66 có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời có vai trò là “bệ đỡ”, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở vật chất cho sự ra đời của Ủy ban này trong thời gian sớm nhất và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc Nghị quyết số 09/NQ-CP được ban hành sớm hơn dự kiến (ngay trong quý I/2018 thay vì ban hành trong quý II/2018) đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm thành lập được Ủy ban trong quý I/2018 để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này, đồng thời đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch đề ra.
Được biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các nghị định Chính phủ khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về Ủy ban), đồng thời Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước...