Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công

PV.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công... là những giải pháp căn cơ và lâu dài đối với việc quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 1/11.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược về nợ công, và sắp tới Bộ sẽ trình dự thảo Nghị quyết nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược về nợ công, và sắp tới Bộ sẽ trình dự thảo Nghị quyết nợ công.

Thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn với tốc độ tăng 18,4%/năm, cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP.

Giải trình về vấn đề nợ công trước Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, một trong những nguyên nhân chính là là tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến, trong khi đó dự toán chi lại giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế Chính phủ trình Quốc hội. Trong khi đó, nợ công đang tăng rất nhanh, áp lực trả nợ đang rất lớn.

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, tăng trưởng kinh tế không như dự kiến, các khoản chi lại đầu tư phát triển, phúc lợi xã hội ngày càng lớn, đặc biệt, chi thường xuyên tăng nhanh lên tới 67,8% tổng chi năm 2015 đã phần nào tác động lên ngân sách nhà nước và áp lực nợ công ngày càng cao.

Chính phủ cũng trình Quốc hội tăng tỉ lệ bội chi hàng năm để tăng cường đầu tư phát triển. Dự toán năm 2011-2015, bội chi 872.000 tỉ đồng, thực tế thực hiện hơn 1 triệu tỉ đồng. Do vậy, riêng nợ công tăng 1,2 triệu tỉ đồng. Nhận định nợ công tăng nhanh là hoàn toàn đúng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải.

Bên cạnh đó, chúng ta điều chỉnh chính sách về đầu tư, giá dầu thô giảm nhưng vẫn phải chi cho chi an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi lương tăng, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng nông thôn mới, giao thông... Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, nhất là liên quan đến đầu tư công và các ngân hàng thương mại.

Trước những khó khăn và thách thức đối với nợ công và khả năng trả nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nêu ra một số giải pháp để giảm nợ công là: cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công.

Ngoài ra, từng bước tái cơ cấu nợ công, cụ thể là đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài; tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất nợ công.

Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược về nợ công, và sắp tới Bộ sẽ trình dự thảo Nghị quyết nợ công.

Để giảm áp lực nợ công, đảm bảo an toàn nợ công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đệ trình Chính phủ, trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 3/2016 của Khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016 - 2020.

Đồng thời, để giảm dần nợ công không thể giảm ngay “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình. Trước hết, muốn kiểm soát trần nợ công tốt phải kiểm soát vay mới. Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải gắn với kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn. Trong đó, khả năng tài chính là cơ sở để quyết định đầu tư công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm dần bảo lãnh chính phủ. Các doanh nghiệp phải từng bước vươn lên, nâng độ tín nhiệm của mình, tự vay tự trả, bỏ tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.