Tiếp tục quyết liệt triển khai tiết kiệm trong quản lý ngân sách nhà nước

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Theo báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ công tác chi thường xuyên.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), công tác quản lý, sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán NSNN. Nhiệm vụ chi được phân loại theo thứ tự ưu tiên, hạn chế bổ sung ngoài dự toán, ứng vốn; thực hiện chi tiêu theo tiêu chuẩn, định mức chế độ theo quy định.

Theo nhận định của Chính phủ, việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp THTK, CLP; các quy định của Luật NSNN, từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán NSNN đã được thực hiện khá nghiêm túc.

Quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và quy định của Luật THTK, CLP, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự toán NSNN bảo đảm đúng quy định; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi NSNN; đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, chương trình, chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện công khai dự toán NSNN theo đúng quy định, bao gồm: dự toán NSNN theo cơ cấu chi; dự toán chi của từng bộ, cơ quan Trung ương; dự toán thu, chi NSNN của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự toán chi từng Chương trình mục tiêu quốc gia,... Chế độ công khai tài chính được thực hiện nghiêm túc ở các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN, các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn NSNN, các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Từ năm 2006 đến 2012, tổng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương là 11.543,7 tỷ đồng; trong đó khối cơ quan trung ương là 2.846 tỷ đồng, khối cơ quan địa phương là 8.697,7 tỷ đồng.

Trong điều hành thực hiện dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp THTK, CLP, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN; chủ động sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, được phân cấp; phân loại nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, ứng vốn...

Từ năm 2011, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng; tiết giảm  chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ/CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011 tổng số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng, trong đó: ôtô 514,4 tỷ đồng, điều hoà nhiệt độ là 184,6 tỷ đồng, thiết bị văn phòng là 328 tỷ đồng và các tài sản khác là 54,3 tỷ đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng NSNN được tăng cường, bảo đảm việc sử dụng vốn NSNN tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, lãng phí.

Từ năm 2006/2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng, xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng. 

Từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống Kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp tiết kiệm trong quản lý NSNN, như: Tăng cường quản lý thu, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn lậu thuế; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, hạn chế phát sinh nợ thuế mới; đẩy mạnh quản lý thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu,.....nhằm chống thất thu NSNN, phấn đấu  tăng thu NSNN so với dự toán được Quốc hội thông qua.