Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC 2017 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất

PV.

Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong APEC, Tổng cục Hải quan Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (SCCP) năm 2017 từ ngày 21-23/02/2017 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn phát biểu khai mạc tại Cuộc họp Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (SCCP)
Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn phát biểu khai mạc tại Cuộc họp Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (SCCP)

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp, sự kiện của SCCP trong năm APEC Việt Nam 2017. Các cuộc họp của SCCP là hoạt động thường niên quan trọng nhất của APEC trong lĩnh vực hải quan. Đồng thời, cũng là lần thứ 2 Tổng cục Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này tiếp theo sự thành công của các phiên họp SCCP trong năm APEC Việt Nam 2006. 

Hải quan Việt Nam coi việc đăng cai tổ chức sự kiện này không chỉ là trọng trách của quốc gia thành viên mà còn là một vinh dự lớn, thể hiện sự tin cậy của các thành viên APEC đối với Việt Nam.

Cuộc họp SCCP lần thứ nhất có sự tham dự của hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ Hải quan các nền kinh tế thành viên APEC, Ban Thư ký APEC, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI).

Với vai trò là một trong các tiểu ban và nhóm công tác trực thuộc CTI, nội dung thảo luận của SCCP 1 sẽ bám sát các ưu tiên và chủ đề của APEC và CTI trong năm 2017.

Chủ đề của năm APEC 2017 là "Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai" ("Creating New Dynamism, Fostering A Shared Future"), trong đó, tập trung vào các ưu tiên chính gồm: (i) Đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (ii) Tăng cường liên kết kinh tế và hội nhập khu vực sâu rộng; (iii) Tạo thuận lợi cho danh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ thông qua việc hỗ trợ để tăng cường tính cạnh tranh, sáng tạo và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong chuỗi nội dung ưu tiên quốc gia nêu trên, CTI cũng xác định các vấn đề chính được tập trung nhấn mạnh tại Cuộc họp CTI gồm: (i) Hướng tới đạt các Mục tiêu Bogor về tạo thuận lợi thương mại và xây dựng các trụ cột trong chương trình nghị sự APEC 2020; (ii) Tiếp tục thúc đẩy triển khai các cam kết FTA trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; (iii) Thúc đẩy kết nối APEC và kết nối chuỗi cung ứng; (iv) Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ; (v) Đẩy mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như thúc đẩy các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; (vi) Thúc đẩy tự do hóa dịch vụ thương mại.

Trên cơ sở chủ đề và định hướng ưu tiên của APEC và CTI trong năm 2017, SCCP đã thống nhất chương trình nghị sự của cuộc họp lần 1 tập trung vào các nội dung như: Triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO; Triển khai kết nối cơ chế một cửa; Phát riển chương trình Doanh nghiệp ưu tiên; Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trong quản lý hải quan; Quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới; Thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới; Tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng.

Trong đó, SCCP lựa chọn hai vấn đề ưu tiên gồm (i) Đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng, trong đó nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái; thực thi quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới và (ii) Tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: Hải quan Việt Nam mong muốn hải quan các nền kinh tế thành viên cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối cơ chế một cửa và tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, nhằm thực hiện tốt vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong hợp tác tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm an ninh thương mại trong chuỗi cung ứng khu vực.

Đây cũng chính là những mục tiêu quan trọng mà Chương trình hành động tập thể (CAP) mà SCCP đệ trình lên Ban Thư ký APEC thông qua trong năm 2016 với mong muốn tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực APEC, đồng thời cải cách và hiện đại hóa hoạt động của cơ quan hải quan.

Thông qua tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật giữa cơ quan hải quan các thành viên APEC, SCCP mong muốn sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn sự kết nối trong hợp tác hải quan khu vực hiệu quả.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo sự thành công về nội dung của cuộc họp của SCCP, đóng góp vào tiến trình của APEC, Hải quan Việt Nam cũng mong muốn góp phần quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế thông qua các hoạt động bên lề cuộc họp lần này.

Để khẳng định và duy trì vai trò đầu tàu của khu vực APEC trong tiến trình tăng trưởng, Việt Nam chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cho năm APEC 2017 với mong muốn gửi gắm thông điệp đồng sức kiến tạo và thúc đẩy “quan hệ đối tác châu Á Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”, đồng thời xây dựng “APEC vì người dân, vì doanh nghiệp”. 

Trong bối cảnh đó, công tác Hải quan là một mắt xích quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực với điểm nhấn là thuận lợi hoá thương mại song hành với đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và bảo vệ an toàn xã hội.

Trong những năm qua, cơ quan hải quan các thành viên APEC đã và đang tích cực triển khai hiệu quả các chương trình cải cách, hiện đại hoá; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin, quản lý rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hải quan và hỗ trợ xây dựng năng lực trong các lĩnh vực nghiệp vụ.

Khẳng định các vấn đề trên, Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: Trong tiến trình này, Hải quan Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc cải cách và hiện đại hóa, đó là: việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS-VCIS đối với 100% hàng hóa xuất nhập khẩu (bao gồm cả nộp thuế điện tử chiếm 99%); Đồng thời, triển khai hệ thống hải quan một cửa quốc gia, kết nối với hệ thống một cửa của các nước ASEAN, tiến hành cải cách hiện đại hóa để thực hiện tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.