Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam

Phùng Tuấn

(Tài chính) Sáng ngày 30/7/2013, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, ông Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đông đảo các nhà nghiên cứu sử học, đại diện dòng họ Trịnh và các cơ quan truyền thông báo chí. Đặc biệt, dù nay đã bước sang tuổi 100, song cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (phu nhân của doanh nhân Trịnh Văn Bô) vẫn đến tham dự sự kiện ý nghĩa này.

Đại biểu tại buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với gia đình cụ Trịnh Văn Bô. Nguồn: FinancePlus.vn
Đại biểu tại buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với gia đình cụ Trịnh Văn Bô. Nguồn: FinancePlus.vn

Ngay sau lời phát biểu khai mạc của Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Phạm Thu Phong, buổi tọa đàm đã thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà sử học, các nhà nghiên cứu. Đánh giá về đóng góp của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô, PGS.,TS. Phạm Xanh, nhà nghiên cứu sử học khẳng định: “Ông Trịnh Văn Bô cùng với người chị là Trịnh Thị Thục theo cha tiếp tục kinh doanh trên thương trường và trở thành doanh nhân giàu nhất nhì Hà Nội thời đó. Năm 1944, ông được tuyên truyền, giác ngộ và gia nhập Việt Minh Hà Nội. Sau khi nhân dân Hà Nội giành chính quyền, ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ và các cộng sự từ chiến khu về. Trên gác 2 ngôi nhà này, Bác Hồ đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và quyết định những công việc trọng đại của Chính phủ mới, trong đó có việc tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình chiều ngày 2/9/1945 trước nữa triệu người dân Việt Nam và người nước ngoài. Gia đình Trịnh Văn Bô - Hoàng Thi Minh Hồ không chỉ chăm sóc tận tình Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự ròng rã trên một tháng, mà còn đi đầu và đóng góp nhiều vàng nhất trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội. Tổng cộng mọi sự giúp đỡ chính quyền cách mạng, nếu quy ra vàng thời đó là 5.147 lạng, chiếm khoảng 90% lãi suất buôn vải của gia đình. Đó là một sự tài trợ to lớn, không kèm toan tính thiệt hơn của một gia đình tư sản dân tộc cho Chính phủ Hồ Chí Minh trong những ngày trứng nước”.

Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam - Ảnh 1
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, các đồng chí lãnh đạo nghỉ hưu chụp ảnh cùng gia đình cụ Trịnh Văn Bô. Nguồn: FinancePlus.vn

Trên một góc nhìn khác, PGS., TS. Đinh Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam chia sẻ: “Trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập, từ ngày 17 - 24/9/1945, “Tuần lễ Vàng” được phát động. Sự kiện “Tuần lễ Vàng” cho thấy mọi tầng lớp nhân dân đều sẵn lòng đóng góp sức người, sức của cho Cách mạng. Thống kê cho thấy, ngày 20/5/1946, thì số tiền quyên vào Quỹ Độc lập khoảng 20 triệu đồng và số vàng thu được trong Tuần lễ Vàng khoảng 370 kg, tương đương với tổng số thuế than và thuế điền thu trong cả nước trong một năm dưới chế độ cũ. Đóng góp vào thành công của Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng nói riêng, của tài chính cách mạng nói chung là rất nhiều những tấm lòng vì nước, vì dân của các doanh nhân. Gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất”.

Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam - Ảnh 2
Ông Hồ Tế - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi tọa đàm. Nguồn: FinancePlus.vn

Tham gia phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hồ Tế - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng trên các phương diện khác nhau của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô. Ông Hồ Tế nhấn mạnh: “Từ thời kỳ hoạt động bí mật, tiền khởi nghĩa đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có quan hệ chặt chẽ với các công thương gia yêu nước đi theo mặt trận Việt Minh, trong đó nổi bật là gia đình ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã góp công sức, tiền của, nhà cửa ủng hộ cách mạng, tạo nguồn tài chính to lớn ban đầu cho cao trào khởi nghĩa, cho xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ… Đặc biệt, thêm một nét son tiêu biểu đặc sắc nữa là thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô có người anh ruột là Trịnh Văn Bính - một nhân sĩ trí thức yêu nước được đào tạo về tài chính và thương mại với trình độ cao ở nước Anh đi theo cách mạng từ những ngày đầu của cách mạng tháng Tám. Sau đó, ông Trịnh Văn Bính trở thành Thứ trưởng Bộ Tài chính, phụ tá đồng chí Phạm Văn Đồng (Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được thành lập từ ngày 28/8/1945). Ông Trịnh Văn Bính liên tục làm Thứ trưởng trong mấy chục năm liền, từ năm 1945 cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giữ cương vị đó cho đến những ngày nghỉ hưu vào những năm 70 của thế kỷ 20. Ông cùng gánh vác công việc với các đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính lớp đầu tiên là Lê Văn Hiến, Hoàng Anh…”.

Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam - Ảnh 3
PGS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính phát biểu tại buổi tọa đàm. Nguồn: FinancePlus.vn

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp cũng không giấu nổi sự xúc động trước những đóng góp to lớn của gia đình ông Trịnh Văn Bô đối với nền tài chính cách mạng Việt Nam: “Ở vào bối cảnh vận mệnh của chính quyền non trẻ “ngàn cân treo sợi tóc” đó, sự xuất hiện của các nhà tài trợ đặc biệt cho cách mạng Việt Nam - những gia đình tư sản yêu nước thật vô cùng quý báu. Không chỉ là chỗ dựa cho chính quyền nhà nước non trẻ, những gia đình tư sản dân tộc như cụ Đỗ Đình Thiện, cụ Trịnh Văn Bô và nhiều nhà tư sản yêu nước khác đã  minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam. Sự đóng góp vật chất to lớn và ý nghĩa của những nhà tư sản yêu nước đã góp phần giúp cho chính quyền non trẻ vượt qua những giờ phút nguy nan, ngành Tài chính Việt Nam vượt qua những thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, góp phần tô thắm nét son truyền thống của Ngành, thúc đẩy sự nghiệp tài chính cách mạng không ngừng trưởng thành, phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải  phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương tiêu biểu đó không chỉ sáng mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam mà còn có ý nghĩa khích lệ các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tài chính, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư”.

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cũng mong muốn rằng tinh thần ấy sẽ lan tỏa rộng khắp trong các thế hệ trẻ ngành Tài chính để đưa nền tài chính Việt Nam phát triển và hội nhập thành công, phục vụ thắng lợi công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đưa Việt Nam sánh sai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ và các thế hệ đã đóng góp cho nền độc lập của đất nước.

Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam - Ảnh 4
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ phát biểu cảm ơn tại buổi tọa đàm. Nguồn: FinancePlus.vn

Dù nay đã gần 100 tuổi, song cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn đến tham dự buổi tọa đàm. Chia sẻ tại buổi tọa đàm cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cho biết: “Gia đình chúng tôi rất xúc động, rất cảm ơn sự quan tâm của Bộ Tài chính đến gia đình chúng tôi”. Thay mặt gia đình, anh Trịnh Kiến Quốc, con trai của cụ Trịnh Văn Bô xúc động: “Đây là lần đầu tiên có một buổi tọa đàm khoa học nói về những cống hiến của gia đình tôi cho nền tài chính cách mạng Việt Nam. Tọa đàm giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến của cha mẹ chúng tôi cho đất nước. Tọa đàm giúp chúng tôi noi gương bố mẹ sống tốt hơn...”. Đánh giá cao về ý nghĩa nhân văn của buổi tọa đàm, PGS., TS. Lê Quý Đức khẳng định: “Tòa đàm đã thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cán bộ ngành Tài chính, là một nghĩa cử cao đẹp, tri ân các doanh nhân đã có những cống hiến to lớn cho Cách mạng”.

Qua những đóng góp to lớn, hết mình cho cách mạng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã nêu cao tấm gương sáng hết lòng phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc. Tấm gương tiêu biểu đó không chỉ sáng mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam mà còn có ý nghĩa khích lệ các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tài chính, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.