Tổng cục Hải quan chấn chỉnh việc quản lý tang vật và phương tiện vi phạm

PV.

Ngày 02/10/2017, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 6457/TCHQ-PC về việc chấn chỉnh công tác quản lý, bảo quản tang vật và phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu sau những sai phạm của công chức hải quan gần đây.

Chấn chỉnh công tác quản lý tang vật và phương tiện vi phạm. Nguồn: Internet
Chấn chỉnh công tác quản lý tang vật và phương tiện vi phạm. Nguồn: Internet
Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, tổ chức thực hiện đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cụ thể: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 - có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2017).
Đồng thời, thực hiện Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; Thông tư số 47/2014/TT-BCA ngày 17/10/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP; Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu cần lưu ý các nội dung trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính như sau:

Một là, người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan Hải quan nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính chịu trách nhiệm phân công cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phù hợp với điều kiện nơi tạm giữ; trường hợp có kho tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thì bố trí cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác này.

Hai là, người được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; thường xuyên kiểm tra nơi tạm giữ; phát hiện kịp thời tang vật, phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi tạm giữ không bảo đảm an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Việc ghi chép sổ sách, thống kê, báo cáo định kỳ thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP.

Ba là, kho tang vật phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường và phải tuân thủ các điều kiện về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCA ngày 17/10/2014.
Trường hợp không đủ điều kiện bố trí kho tạm giữ tang vật, phương tiện riêng hoặc quy mô xây dựng nơi tạm giữ không đủ để quản lý, bảo quản hết tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thì có thể thuê nơi tạm giữ. Trường hợp tang vật có số lượng ít hoặc nhỏ, gọn thì có thể giao cho cán bộ có đủ khả năng và điều kiện quản lý tại trụ sở cơ quan mình.
Bốn là, việc tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền. Khi giao nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận, mỗi bên giữ một bản.