Triển khai Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận

PV.

Ngày 21/7/2016, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) tại Hà Nội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận, ngày 21/7/2016.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận, ngày 21/7/2016.

Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận đã và đang trở thành mối quan tâm chung của cả nước đang phát triển lẫn các nước phát triển. Do đó, BEPS được đánh giá là một trong nỗ lực quốc tế quan trọng nhằm hướng đến cải cách toàn diện và đồng bộ các quy định về thuế quốc tế, để khôi phục lại tính công bằng và nâng cao hiệu quả thu của các hệ thống thuế trên toàn cầu.

Với tinh thần trên, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình BEPS và 3 Tổ giúp việc nhằm đánh giá sự cần thiết, các thuận lợi, thách thức và đề xuất các giải pháp chính sách và quản lý thuế nhằm củng cố và bảo vệ nguồn thu đối với các vấn đề thuế toàn cầu. Vị trí Trưởng ban chỉ đạo Chương trình sẽ do Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đảm trách.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Tổng cục Thuế coi việc tham gia thực hiện Chương trình BEPS là một bước tiến quan trọng đối với quá trình hộ nhập quốc tế của ngành Thuế, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 theo hướng ngày càng phù hợp với các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, nâng cao vị thế và vai trò của Việt nam trên các diễn đàn thuế quốc tế. BEPS cũng là những nội dung quan trọng để chuẩn bị các điều kiện về thể chế và quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP và các Hiệp định FTA thế hệ mới.

Kể từ Hiệp định thuế đầu tiên năm 1992, đến nay Việt nam đã ký kết 74 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, trong đó 66 Hiệp định đã có hiệu lực. Cùng với các hiệp định bảo hộ đầu tư, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia vào WTO và việc ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư quốc tế. Để chuẩn bị đón nhận những cơ hội cũng như thách thức từ hội nhập, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý, từng bước đưa các chuẩn mực và thông lệ quản lý quốc tế tế vào áp dụng tại Việt Nam.

Được biết, ngay sau hội nghị này, Ban chỉ đạo triển khai Chương trình BEPS và 3 tổ giúp việc sẽ tiến hành xác định các ưu tiên, phương hướng và lộ trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động BEPS tại Việt Nam và đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ các giải pháp và kế hoạch triển khai cụ thể.