Từng bước chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công

PV.

Chiều ngày 27/9/2016, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo chuyên đề “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước(sửa đổi)” dưới sự chủ trì của ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là hết sức cần thiết.
Ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là hết sức cần thiết.

Tại buổi Họp báo, ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản công, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là hết sức cần thiết.

Ông Trần Đức Thắng nhấn mạnh, Dự thảo Luật tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, huy động, khai thác, sử dụng, tiết kiệm có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định, đối với tài sản công đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (như: đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản dự án), trên thực tế ở nước ta, các tài sản này khá lớn, nhất là tài sản kết cấu hạ tầng nhưng công tác quản lý có lúc, có nơi còn lãng phí, chưa hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là do chưa quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế quản lý.

Đối với tài nguyên, dự thảo Luật quy định các hình thức khai thác nguồn lực tài chính bao gồm: thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên; thu tiền sử dụng khu vực biển; thu tiền sử dụng rừng, tiền thuê rừng; thu thuế tài nguyên; thu phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật hướng đến mục tiêu phân định tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, tài sản công phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản công phục vụ sản xuất, kinh doanh; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả.