Ứng dụng công nghệ thông tin: Thu hẹp khoảng cách quản lý hải quan Việt Nam và thế giới

PV.

Là một cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã quán triệt và nghiên cứu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và cụ thể hóa thành Chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển công nghệ thông tin của ngành.

Nâng tầm công tác quản lý, vận hành, xử lý thông tin điện tử hải quan, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi căn bản phương pháp quản lý của ngành Hải quan theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng chung của hải quan khu vực, thế giới và thực tiễn Việt Nam.
Nâng tầm công tác quản lý, vận hành, xử lý thông tin điện tử hải quan, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi căn bản phương pháp quản lý của ngành Hải quan theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng chung của hải quan khu vực, thế giới và thực tiễn Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển ngành Hải quan cho thấy ngành Hải quan đã sớm có chủ trương, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thống nhất, nhất quán, liên tục và kế thừa sâu sắc. CNTT được ngành Hải quan xác định vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa các mục tiêu, nội dung của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Năm 2004, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Ngành Hải quan giai đoạn 2004 – 2006 ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đã xác định “ứng dụng tiến bộ của khoa học CNTT và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác quản lý đang là xu thế chung của thời đại nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý”.

Năm 2008, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Ngành Hải quan giai đoạn 2008 – 2010 được ban hành theo Quyết định số 456/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010 “Mô hình nghiệp vụ hải quan đến năm 2010 được dựa trên nền tảng của việc tự động hoá một phần và xử lý dữ liệu tập trung ở cấp Cục, từng bước áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng CNTT…”.

Năm 2011, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là “Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hoà đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lý dữ liệu tập trung,…”.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011. Một trong những định hướng cơ bản của cải cách, hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn 2011 - 2015 là đẩy mạnh ứng dụng CNTT với đặc trưng 5 E: E-Clearance; E-Manifest; E-Payment; E-Permit và E-C/O.

Đặc biệt, việc ứng dụng và phát triển CNTT trong lĩnh vực hải quan được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với việc Bộ Tài chính phê duyệt và ban hành một kế hoạch riêng về phát triển và ứng dụng CNTT ngành Hải quan giai đoạn 2012 – 2015 theo Quyết định số 2400/QĐ-BTC ngày 27/9/2012.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự chỉ đạo Bộ Tài chính, bằng các giải pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể, trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan đã được triển khai mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện ở các nội dung nổi bật sau:

Một là, CNTT đã được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan:

- Trong khai báo, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan: Thời điểm năm 2005, khi ngành Hải quan bắt đầu thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử thì thủ tục hải quan vẫn cơ bản là thực hiện thủ công. Đến nay, sau 10 năm ứng dụng CNTT, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử nói trên đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi; hồ sơ hải quan đơn giản; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan nhanh (chỉ từ 1 - 3 giây); giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội do không phải thực hiện hồ sơ giấy.

- Trong lĩnh vực thanh toán thuế: Từ năm 2007, Ngành Hải quan đã từng bước áp dụng CNTT để thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thu, nộp thuế. Đến nay, việc thu nộp thuế xuất nhập khẩu được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại. Tính đến ngày 15/5/2015, đã thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với 22 ngân hàng thương mại, tổng số tiền thuế thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử đạt hơn 57.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64 % tổng số thu của Ngành Hải quan. 100% các Cục Hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thanh toán điện tử. Việc thực hiện thanh toán điện tử đã giúp doanh nghiệp thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế giảm (trước đây mất thời gian từ 1 - 2 ngày, cá biệt có thể mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút); hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đây là tiền đề cho việc mở rộng thanh toán điện tử đối với các loại phí và lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính của các Bộ, Ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia.

- Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc vận hành Cổng thông tin điện tử hải quan như: (i) Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các quy trình, hướng dẫn; (ii) Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý; (iii) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các lĩnh vực: thông quan hàng hóa và phương tiện; nộp thuế điện tử; tra cứu và xác định mã số hàng hóa, thuế suất; đăng ký sử dụng chữ ký số, tài khoản tham gia thủ tục hải quan điện tử; tra cứu quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cung cấp thông tin xuất nhập khẩu cho các Bộ, ngành và cơ quan liên quan; phổ biến số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu,…

Hai là, ứng dụng CNTT một cách toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan:

- Trong lĩnh vực giám sát quản lý nhà nước về hải quan: Đã xây dựng và triển khai trong toàn Ngành các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng,… Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép doanh nghiệp khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời. Từ năm 2014, ngành Hải quan đã triển khai áp dụng hệ thống mã vạch trong công tác giám sát hải quan tại các chi cục hải quan lớn cho phép giảm thời gian xử lý hải quan tại khu vực giám sát từ 30 phút/lô hàng xuống còn dưới 3 phút/lô hàng.

- Trong công tác quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, Ngành Hải quan đã triển khai trên phạm vi toàn quốc hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Hệ thống Quản lý thông tin giá tính thuế trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống đã giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán và xác định trị giá hàng hóa.

- Trong công tác quản lý rủi ro, từ tháng 12/2005, ngành Hải quan đã triển khai trên phạm vi toàn quốc Hệ thống quản lý rủi ro. Với tốc độ tăng trưởng không tương xứng giữa cán bộ và khối lượng công việc thì việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro có một ý nghĩa rất to lớn. Cho đến nay, hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ đang cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động cũng như giúp ngành hải quan tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan nghiên cứu, xây dựng và đưa vào áp dụng các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Cụ thể là:

- Hệ thống kiểm tra sau thông quan cho phép thực hiện tổng hợp thông tin, đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp, lập danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra sau thông quan, cập nhật kết quả kiểm tra sau thông quan, cung cấp thông tin cho hệ thống quản lý rủi ro để phân luồng hàng hóa.

- Hệ thống thông tin tình báo cho phép thu thập, cập nhật thông tin từ các nguồn tin nghiệp vụ hải quan phục vụ cho công tác xây dựng phương án đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả.

- Hệ thống quản lý vi phạm cho phép thu thập, cập nhật thông tin về tình hình vi phạm của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp, hỗ trợ cho các cán bộ, công chức hải quan trong ngành thực hiện các nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Ba là, ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành:

Hàng năm ngành Hải quan phải tiếp nhận và xử lý khoảng 7 triệu tờ khai Hải quan với việc tuân thủ hệ thống rộng lớn các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư. Với khối lượng công việc như vậy không thể tránh khỏi các vướng mắc phát sinh từ đó phải trả lời, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn doanh nghiệp XNK. Để có thể quản lý được khối lượng khổng lồ văn bản đi và đến ngành Hải quan cũng như thực hiện việc chỉ đạo điều hành nội bộ qua mạng, ngay từ năm 2003, Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống Net.Office cho phép quản lý công văn đi, đến cho phép tiếp nhận văn bản ở dạng giấy hoặc điện tử, chuyển hóa văn bản giấy ra dạng điện tử từ đó giúp các cấp Lãnh đạo phân luồng, phân công cán bộ xử lý văn bản, phát hành văn bản trả lời. Cơ sở dữ liệu văn bản dạng điện tử thống nhất trong toàn ngành giúp cán bộ có thể tiếp cận được nhiều thông tin, văn bản hướng dẫn từ đó góp phần thống nhất cách xử lý nghiệp vụ trong phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, Ngành Hải quan cũng đã xây dựng và triển khai các hệ thống trong các lĩnh vực quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng, tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản,…

Bốn là, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN:

Là Cơ quan thường trực, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai quyết liệt các nội dung liên quan đến Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã chính thức kết nối với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường. Trên bình diện ASEAN, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành cơ bản việc đàm phán và thực hiện các thủ tục cuối cùng để ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và chuẩn bị điều kiện kỹ thuật đảm bảo sẵn sàng kết nối Cơ chế một cửa ASEAN vào cuối 2015.

Việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước như giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đơn giản hóa bộ hồ sơ, tăng cường khả năng kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, minh bạch và công khai hóa việc thực hiện thủ tục hành chính, tạo tiền đề để tham gia vào Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin điện tử với các nước theo các hiệp định song phương và đa phương.

Năm là, cung cấp thông tin thống kê hải quan đầy đủ, kịp thời, ngày càng có độ tin cậy và chất lượng cao, qua đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước nói chung, sự phát triển và hiện đại hóa của ngành Hải quan nói riêng:

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng số liệu thống kê hàng hoá XNK, đánh giá tình hình XNK… ngày càng chính xác và đáng tin cậy, phục vụ đắc lực cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong hoạt động kinh tế đối ngoại và chính sách thuế của Chính phủ, của các Bộ, ngành chức năng trong các năm qua. Đối với trong Ngành, số liệu thống kê hải quan về hàng hoá XNK đã phục vụ tốt cho các yêu cầu của công tác nghiệp vụ trong ngành. Đối với ngoài Ngành, số liệu thống kê hải quan về hàng hoá XNK được đánh giá là một trong những nguồn số liệu thống kê kinh tế vĩ mô có chất lượng tốt nhất và duy nhất trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Để có được thành công như ngày hôm nay, trong những năm tháng vừa qua, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Hải quan, trong đó nòng cốt là Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan đã có rất nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của Ngành.

Thành công về ứng dụng CNTT trong ngành Hải quan không thể thiếu được sự nỗ lực, tinh thần làm việc trách nhiệm cao của cán bộ, công chức làm công tác công nghệ thông tin tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Ngành Hải quan có phạm vi lớn, trải dài từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi, đội ngũ cán bộ làm công tác tin học tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc đảm nhiệm thực hiện việc triển khai, hỗ trợ các cán bộ nghiệp vụ trong vận hành các hệ thống CNTT tại đơn vị mình. Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo triển khai thành công các ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị trong toàn Ngành trong thời gian vừa qua.

Cùng với nỗ lực của cán bộ, công chức làm công tác tin học, sự tham gia nhiệt tình, tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức nghiệp vụ trong toàn Ngành trong quá trình triển khai các ứng dụng CNTT có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Ứng dụng CNTT chỉ đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích khi cán bộ, công chức nghiệp vụ sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT. Thực tiễn triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vừa qua cho thấy chỉ trong thời gian đào tạo chưa đầy 6 tháng, gần 10.000 cán bộ, công chức nghiệp vụ trong toàn Ngành đã nắm vững và sử dụng thành thạo Hệ thống VNACCS/VCIS. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của cán bộ, công chức trong toàn Ngành trong triển khai Hệ thống CNTT.

Mỗi thời kỳ lịch sử đặt ra những cơ hội và thách thức riêng đối với sự phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở phân tích toàn diện các mặt, các yếu tố, chúng tôi nhận định: Trong thời gian tới với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải quan, nhưng đặt ra không ít thách thức, ngành Hải quan xác định mục tiêu ứng dụng CNTT đến năm 2020 là xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin hải quan thông minh, xử lý tập trung trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng sẵn sàng cao, tích hợp chặt chẽ với các hệ thống thông tin của các bên liên quan đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Hải quan theo chuẩn mực quốc tế “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi phương tiện” với các nội dung cơ bản sau:

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

- Đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: khai báo hải quan và thông quan hàng hóa, khai báo phương tiện vận tải đường biển, đường hàng không, thanh toán thuế, phí và lệ phí, miễn giảm hoàn thuế.

- Đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 đối với 70% các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực còn lại. Đảm bảo cung cấp công cụ hỗ trợ cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ của các thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin điện tử hải quan.

Ứng dụng toàn diện CNTT trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan:

- Mở rộng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan liên quan tới miễn, giảm, hoàn thuế, kết nối hệ thống với các cơ quan kinh doanh cảng, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, thủ tục quá cảnh hàng hóa, xử lý thông tin về hàng hóa và phương tiện vận tải qua đường biển, đường hàng không, đường bộ,…

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hệ thống CNTT trong lĩnh vực thông quan, quản lý thu thuế, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, thống kê hải quan và các ứng dụng văn phòng khác.

- Các hệ thống ứng dụng CNTT đảm bảo đáp ứng kịp thời các thay đổi quy định pháp luật liên quan đến hải quan. Nâng cao năng lực thu thập, phân tích, xử lý thông tin, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan hải quan các cấp trên nền tảng ứng dụng các hệ thống CNTT tích hợp.

Thực hiện thành công Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia vào Cơ chế hải quan một cửa ASEAN

- Thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế Hải quan một cửa ASEAN.

- Đảm bảo xây dựng Cổng thông tin hải quan một cửa quốc gia sẵn sàng cho việc kết nối với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan theo kế hoạch chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan.

- Thực hiện kết nối, trao đổi thông tin trong Cơ chế một cửa ASEAN và các khu vực khác phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đảm bảo duy trì vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia ổn định, an ninh, an toàn 24/7.